Cải cách hành chính: 10 năm là quá dài

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phan Thiên tỏ ra lo ngại vì thời hạn cải cách là quá dài: “Ngần ấy thời gian, bao nhiêu vật đổi sao rời, không khéo lại tụt hậu”. Ông cho rằng cần phải đột phá vào điểm gốc, trước hết là tu chỉnh Hiến pháp, và sửa đổi hệ thống pháp luật. Bởi mới đây, Chính phủ cho phép xây dựng “cơ chế thích hợp” cho TP HCM, thì đã đụng phải 10 đạo luật. Còn nguyên phó thủ tướng Nguyễn Khánh, Phó ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, thì cho rằng, nói là 10 năm nhưng phải “làm mạnh” trong 5 năm.
Vướng mắc về thủ tục hành chính cũng hành khổ các vị chủ tịch tỉnh, bởi như lời ông Nguyễn Minh Nhị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, “Chủ tịch gì mà bổ nhiệm hoặc cách chức một vị trưởng phòng còn khó, thì làm sao điều hành”. Tất cả vì cơ chế lãnh đạo tập thể. Song đây cũng là cách để các cá nhân lẩn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho tập thể.
Theo ông Lai Nguyễn Vỹ Hòa, Chủ tịch tỉnh Gia Lai, để giải quyết vấn đề này thì phải cải cách cả hệ thống, chứ không chỉ nhằm vào thủ tục tục hành chính. Ông Nguyễn Khánh đồng ý, nói: “Cải cách phải gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là rất đúng, và Trung ương Đảng rất quan tâm về vấn đề này”.
Các đại biểu thống nhất rằng phân cấp thẩm quyền phải theo nguyên tắc nhà nước chỉ làm cái dân không làm được và trung ương không làm cái địa phương làm được. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ vấp phải quyền lợi của những người lâu nay quen quản lý tập trung. Phó chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tỏ ra bức bách: “Địa phương cố gắng giảm nhiều nhất các phiền hà cho dân, nhưng cản trở lớn vẫn là từ các bộ, ngành trung ương. Địa phương vẫn phải tuân thủ các nghị định, thông tư, vì nếu làm sai thì bị bắt giò ngay”. Ông kêu gọi các cơ quan pháp luật đừng gây khó dễ, hãy coi đây là thời kỳ thí điểm.
(Theo Thanh Niên)

1gom