Sự việc xảy ra ở kho sách tiếng Nga của Thư viện, tại số 240 Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận, TP HCM). Một cán bộ Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ – đơn vị quản lý kho sách – cho biết: “Có người đã bật khóc khi nghe sách bị đánh cắp với số lượng lớn. Họ bật khóc vì không thể chịu đựng nổi khi phải một lần nữa chứng kiến một sự việc tồi tệ nhất trong lịch sử ngành thư viện VN”. Lượng sách bị đánh cắp ít nhất cũng trên 20.000 cuốn.
Nhiều người hy vọng có thể thu hồi lại những cuốn sách quý bị mất tại các điểm bán sách báo cũ. Nhưng vị cán bộ trên lại nghĩ khác: “Anh đừng có mất thời gian, tôi đã đi một số hiệu sách cũ rồi, không dễ dàng tìm được như lần trước nữa đâu. Có lẽ hàng chục nghìn cuốn sách đã đi vào… các nhà máy tái sinh giấy hết rồi”.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, do trụ sở chính của Thư viện Khoa học xã hội TP HCM tại số 34 Lý Tự Trọng chật hẹp, cơ sở vật chất bị xuống cấp, sách không thể lưu giữ hết nên các loại sách tiếng Nga đã được chuyển về cơ sở 240 Nguyễn Trọng Tuyển từ hàng chục năm nay. Khi bạn đọc có nhu cầu thì cán bộ thư viện mới tìm sách tại kho này để phục vụ.
Gần đây, trụ sở chính Thư viện được sửa khang trang và đi vào hoạt động từ tháng 9/2003. Có nhà mới, một số cán bộ của thư viện đến kho sách tiếng Nga tại số 240 Nguyễn Trọng Tuyển để thu dọn, chuyển về trụ sở chính, song đã không thấy sách.
Một nhân chứng kể lại: “Tất cả đều hoảng hốt, la toáng, chạy nháo nhào… vì sách lưu trong kho gần như đã bị dọn sạch bách”. Hôm đó, là ngày 14/7. Sự việc này có sự chứng kiến của khá đông người, trong đó có một số cán bộ nghiên cứu của viện.
“Hình như trên thế giới sự kiện mất sách như thế mới xảy ra ở Thư viện Khoa học xã hội thành phố. Tôi cho rằng lãnh đạo Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ không thể không có trách nhiệm lớn trong việc để mất mát một khối lượng tài sản quốc gia với số lượng lên cả chục nghìn cuốn sách như thế”, một người dân bức xúc nói.
Theo tiên đoán của một số người, để vận chuyển số lượng hàng chục nghìn cuốn sách ra khỏi kho, kẻ trộm phải mất rất nhiều thời gian; việc vận chuyển có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng liền. Trong khuôn viên tòa nhà 240 Nguyễn Trọng Tuyển có một số cán bộ lưu trú ở khu nhà tập thể, nên không phải lúc nào kẻ trộm cũng có thể chuyển sách ra ngoài. Nhiều người còn đặt vấn đề nếu không có chủ trương chuyển sách về 34 Lý Tự Trọng thì có thể việc mất sách cũng chưa bị phát hiện.
(Theo Tuổi Trẻ)