Suy nghĩ tích cực
Người có các thái độ tích cực thường có cuộc sống vui tươi hơn và sức khỏe tốt hơn. Người lạc quan có thể nỗ lực vượt qua cơn đau và sự bất hạnh, làm tăng kết quả trị liệu bằng thuốc. Ví dụ: Những bệnh nhân mạch vành có tinh thần lạc quan thường phục hồi nhanh chóng và ít bị biến chứng sau mổ hơn người ít hy vọng.
Trái lại, tính bị quan thường làm cho bệnh tình nặng thêm.
Gia tăng hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch của bạn phản ứng theo những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chính bạn. Hơn nữa, lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống điều độ và sự kiểm soát căng thẳng tinh thần theo ba phương pháp sau sẽ giúp cho hệ miễn dịch thực hiện chức năng tốt hơn.
1. Có các ước muốn tích cực về sức khỏe
Các ước muốn tinh thần và cảm xúc có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Việc thay đổi các ước muốn từ tiêu cực thành tích cực có thể làm cho hệ miễn dịch của bạn tốt lên. Sau đây là cách để thay đổi:
– Bỏ tất cả những suy nghĩ tiêu cực. Đưa ra những lời nói tích cực chứng tỏ bạn tin mình sẽ phục hồi nhanh.
– Viết một là thư cho căn bệnh của bạn, bảo nó là bạn không cần nó nữa và hệ miễn dịch đã sẵn sàng kết liễu nó.
– Truyền vào dòng máu của bạn sự khẳng định chắc chắn: “Tôi là người có khả năng” hoặc: “Các khớp của tôi mạnh khỏe và dẻo dai”.
– Hình dung ra bạn được khỏe mạnh và chữa khỏi. Bổ sung thêm các hình ảnh tinh thần để hỗ trợ các khẳng định tích cực của mình.
– Trở thành người lãnh đạo vui tươi đối với hệ miễn dịch của bạn. Nói với nó và khuyến khích nó phải khỏe mạnh để chống chọi liên tục với bệnh tật.
2. Cởi mở, vui tươi, quan hệ tốt
Những cảm xúc tích cực tăng cường hệ miễn dịch. Hầu như bất kỳ điều gì làm cho bạn cảm thấy vui vẻ đều sẽ giúp bạn sống khỏe mạnh hơn.
– Cười: Hài hước một chút làm cho cuộc sống phong phú và khỏe mạnh hơn. Tiếng cười làm tăng thêm óc sáng tạo, giảm đau đớn và mau khỏi bệnh. Nên xem các bằng video, hoạt hình và tranh ảnh hài hước.
– Tìm bạn: Tình bạn là điều rất cần thiết để có cuộc sống vui khỏe. Cuộc sống linh hoạt giúp bạn mau lành bệnh và giảm các ảnh hưởng của bệnh tật tới tinh thần.
– Làm việc thiện: Người làm việc thiện thường sống thọ hơn và thấy cuộc sống vui tươi hơn những người sống ẩn dật. Giúp người khác là giúp chính mình.
3. Nuôi trồng cây và thú cảnh
Việc chăm sóc thú và cây cảnh làm cho huyết áp hạ và nhịp tim chậm lại. Thú và cây cảnh giúp chúng ta cảm thấy mình hữu ích hơn.
Tính cứng rắn
Một số người dường như chống chọi được bệnh tật giỏi hơn người khác. Hệ miễn dịch của họ tác động một cách có hiệu quả hơn. Những người có tính cứng rắn được coi là có 3 yếu tố nhân cách nổi bật:
– Tôn trọng chính mình, công việc, gia đình và các giá trị khác.
– Có ý thức tự chủ.
– Coi các thay đổi trong cuộc sống là một thử thách hơn là một đe dọa.
Bạn có thể phát huy lòng tự trọng, tự chủ và chấp nhận những thử thách của cuộc sống không? Rõ ràng là được, nhất là nếu bạn bắt đầu ngay khi còn trẻ. Bạn có thể giúp cho con cái trở nên cứng rắn bằng cách từng bước hình thành ở trẻ các phẩm chất sau:
– Tự trọng.
– Tự chủ: Để trẻ tự làm những công việc vừa sức. Có thể lúc đầu trẻ sẽ thất bại, nhưng dần dần sẽ thành công.
Nên khuyến khích con cái coi những thay đổi là cơ hội để cố đổi mới. Cho chúng biết là cuộc sống liên tục thay đổi.
(còn tiếp)
LTS: Cuốn “180 bệnh thông thường: Cách phòng ngừa và chữa trị” là một cẩm nang bảo vệ sức khỏe gia đình do Nhà xuất bản TP HCM ấn hành. Tác giả Lê Minh Cẩn đã biên soạn theo cuốn “Healthwise handbook” của Donald W. Kemper. Tài liệu này dựa trên các thông tin y khoa chính xác, những tài liệu chuyên ngành hàng đầu đã được các chuyên gia y tế xem xét, và gồm những hướng dẫn căn bản để bạn tự nhận biết và đối phó với các bệnh thông thường nhất.
Cuốn sách không thể thay thế hoàn toàn sự giúp đỡ của giới y tế chuyên môn. Tuy nhiên, nó cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản để có thể hợp tác với bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình”.