Tổng thống Nam Tư Vojislav Kostunica. |
Ủy ban bầu cử Liên bang cho biết sẽ phải tổ chức bầu cử lại trước ngày 5/12, và cuộc bầu cử tới sẽ không hạn chế số ứng cử viên, bao gồm cả đồng minh của cựu tổng thống Nam Tư Milosevic. Lý do họ đưa ra là số cử tri đi bầu chỉ đạt được 45,5%, không đạt ngưỡng tối thiểu là 50%.
Kostunica – người theo chủ nghĩa dân tộc ôn hòa – đã giành được 67% số phiếu, vượt xa đối thủ của ông là Phó thủ tướng Miroljub Labus, đồng minh của đương kim Thủ tướng Serbia Zoran Djindjic -người ủng hộ nhiệt tình cải cách kinh tế theo đường lối Tây phương.
Đảng của ông Kostunica cho biết họ sẽ chính thức phản đối việc hủy bỏ kết quả bầu cử. Nebojsa Bakarac, một quan chức cấp cao của đảng này, khẳng định họ có đầy đủ bằng chứng chỉ rõ rằng cuộc bầu cử đã thành công. Đồng thời ông cáo buộc hành động hủy bỏ kết quả của Ủy ban Bầu cử Liên bang là “không chấp nhận được”, bởi vì trên thực tế, nếu không có số cử tri “ma”, số người đi bỏ phiếu đã vượt ngưỡng 50%. Danh sách cử tri lần này được lấy từ thời ông Milosevic.
Trước đó, Kostunica cáo buộc Djindjic tẩy chay cuộc bầu cử để duy trì quyền lực và làm lung lay chính phủ của ông. Trong suốt cuộc bầu cử, Tổng thống Nam Tư thề nếu trở thành Tổng thống Serbia, ông sẽ lật đổ chính quyền Thủ tướng Djindjic bằng cách tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội mới.
Trên thực tế Thủ tướng Djindjic nắm nhiều quyền lực hơn Tổng thống Kostunica, nhưng Kostunica lại được yêu thích hơn bởi quan điểm chủ nghĩa dân tộc. Đảng của ông có thể sẽ giành được nhiều phiếu trong vòng bầu cử quốc hội, dự định sẽ tổ chức vào năm tới, và sẽ làm cho đảng của Thủ tướng Djindjic mất quyền.
Các nhà phân tích cho rằng Djindjic chắc chắn sẽ thất bại trong cuộc cạnh tranh giành quyền lực. Việc tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống có thể đem tới cơ hội cho Vojislav Seselj, người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ông này đứng ở vị trí thứ ba trong vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 29/9 và kêu gọi loại bỏ vòng bỏ phiếu thứ hai.
Hôm qua, Seselj tuyên bố rằng ông cảm thấy mình như là người chiến thắng bởi vì cuộc bầu cử đã thất bại. Ông cho biết sẽ đàm phán với các đồng minh của cựu tổng thống Milosevic về việc ứng cử chung trong cuộc bầu cử tổng thống lần tới.
Tổng thống Kostunica cho rằng cần phải đưa ra một luật bầu cử mới trước khi cuộc bầu cử tới diễn ra. Gợi ý này của ông đã được các nhà quan sát quốc tế, những người theo dõi cuộc bỏ phiếu hôm chủ nhật, tán thành.
Hrair Balian, người phát ngôn của Tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu, nói: “Việc cử tri không đi bầu cử thật là khó hiểu, nó chỉ gây nên tình trạng bất ổn mà thôi. Như vậy là người Serbia tự đánh lại mình. Serbia không cần sự bất ổn, cái họ cần là công cuộc cải tổ”.
Nhiều người dân Serbia đã hy vọng mức sống sẽ được cải thiện sau thời ông Milosevic. Mặc dù lương cao hơn trước, người ta không thể nào theo kịp mức giá tăng chóng mặt. Tỷ lệ thất nghiệp ở Serbia hiện là 40%.
Ngọc Sơn (theo AP)