Sự độc đáo của cuốn tiểu thuyết là cái nhìn cuộc sống từ cõi âm. Bình, người lính và Quế Chi, nữ thanh niên xung phong, hai người chết cô đơn, lang thang ngoài cửa âm phủ, rồi đột nhiên gặp, sống bên nhau và an ủi nhau. Quế Chi kính trọng, quý mến Bình vì anh quá chân thực. Họ cùng băn khoăn ưu tư về những giá trị tinh thần đang bị quên dần đi, thương những thế hệ từng làm vẻ vang cho dân tộc, đất nước này. Bình, Quế Chi vẫn tiếp tục cuộc sống lang thang nơi cõi âm, dọc bờ sông Nhược Thủy. Họ từ chối xơi món cháo lú nơi cõi âm khiến người ta quên hết mọi sự trước khi hóa kiếp mà chấp nhận giữ lại trí nhớ, xin được nhớ quê hương, gia đình, bạn bè thân thích, được nhớ những ngày đã sống đẹp đẽ trong áo lính…
Trước tác phẩm của Văn Lê, Áo trắng của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Sống như anh của Trần Đình Vân, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh… đều đã có mặt ở Hàn Quốc, nhưng tất cả đều dịch thông qua một ngôn ngữ thứ ba (hoặc tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp). Đây là trường hợp đầu tiên được chuyển ngữ trực tiếp sang tiếng Hàn do Ha Jae Hong thực hiện.
“Ngay từ khi phát hành, tiểu thuyết đã được 6 tờ báo uy tín tại Hàn Quốc viết bài giới thiệu trang trọng, được bạn đọc đón nhận với một tình cảm đặc biệt và đánh giá cao bởi tính nhân văn cao cả của con người và đậm đà tính VN trong tác phẩm. Rất nhiều bạn đọc người Hàn Quốc sau khi đọc xong tiểu thuyết đã sang VN tìm hiểu về đất nước, con người VN”, nhà văn Bang Hyun Suk, Chủ tịch Hội Nhà văn trẻ Hàn Quốc, nhận xét.
Nếu anh còn được sống chỉ còn chờ ngày thành vóc thành dáng một bộ phim truyện nhựa, sau khi đạo diễn Việt Linh nói với Văn Lê cho phép chị chuyển thể kịch bản và đã gửi đi tham dự cuộc thi kịch bản của Cục Điện ảnh.
(Theo Tuổi Trẻ, Tiền Phong)