Tác phẩm The Mountain (1937). |
Ông sinh ngày 29/2/1908 và qua đời vào tháng 2/2001 tại một biệt thự bằng gỗ ở Thụy Sĩ, nơi ông đã ẩn cư 20 năm cuối đời. Từ thời niên thiếu, Balthus đã chối bỏ cách đào tạo hoạ sĩ truyền thống mà dành nhiều thời gian cho việc “luyện mắt” với những tác phẩm của Poussin tại Bảo tàng Louvre. Ông xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu hội họa vào năm 1934 và không được mấy ai đón nhận. Để an ủi Balthus, một người bạn đã viết bài giới thiệu tranh của ông trên một tờ báo. Và nhờ thế mà người xem không thể thờ ơ với Balthus khi biết rằng các tác phẩm của ông có nét khác biệt, không theo những trào lưu hội họa lúc bấy giờ: sự màu mè của Léger, chất trừu tượng ngày càng thuần túy của Kandinsky, chất hình họa bí ẩn của Mondrian. Suốt gần một thế kỷ, ông đi trên con đường nghệ thuật riêng của mình. Balthus gắn bó với những giá trị của hội họa biểu hình truyền thống, chất hữu tình không gian huyền ảo được kế thừa từ hội họa Phục Hưng Italia. Ra mắt năm 1934 nhưng đến năm 1946, người xem mới có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm của ông khi trưng bày ở Wildenstein. Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng lại bị người xem quên lãng khi nghệ thuật trừu tượng chiếm lĩnh xu hướng thời bấy giờ. Song, điều làm ông thấy an ủi là xung quanh vẫn có nhiều người hâm mộ tài năng của mình. Họ đã cổ vũ, động viên ông hết mình. Cuộc triển lãm năm 1983 ở trung tâm Pompidou đánh dấu đỉnh cao sáng tác nghệ thuật của họa sĩ tài năng này: Những cảm hứng và kỹ thuật tuyệt vời nhất, chất hoa tình kiểu Courbet, phong cảnh đẹp và những bức chân dung tinh tế.
Khi đến gần tuổi 50, ông tìm đến ngôi nhà tại Chassy. Nơi đây, ông đã cho ra đời một số tuyệt tác về phong cảnh. Bức tranh được công chúng biết đến nhiều nhất của ông chính là La Chambre Turque (Căn phòng Thổ Nhĩ Kỳ). Có người đã ví nhân vật trong tranh của ông với biểu tượng tình dục theo quan niệm lúc bấy giờ. Balthus nói: “Tôi chỉ vẽ những thiên thần. Toàn bộ bức tranh của tôi mang tính tôn giáo”.
Balthus không chịu chấp nhận cái chết của nghệ thuật biểu hình. Ông mất đi nhưng trường phái nghệ thuật của ông vẫn còn được người đời sau nhắc mãi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)