Bệnh viện Bạch Mai quá tải bệnh nhân chạy thận nhân tạo

c
Ông Đốc chỉ là một trong số hàng chục người phải sốt ruột chờ đợi trong mỗi ca trực như thế ở bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng cho biết, trung bình mỗi ngày khoa điều trị 140-150 ca, cao điểm lên tới 175 ca. Trong khi đó, tần suất phục vụ chỉ đảm bảo khoảng 90 ca/ngày. Mặc dù Khoa Lọc máu – thận nhân tạo có 35 giường bệnh, thuộc diện nhiều nhất trong cả nước, nhưng vẫn không đáp ứng nổi số bệnh nhân đến điều trị. Phần lớn người bệnh nhân đều đã suy thận độ 4 (ở giai đoạn cuối), nếu không được lọc máu đều đặn và có thuốc hỗ trợ thì nhanh chóng dẫn đến tử vong.
“Bệnh nhân đến rất đông trong tình trạng rất nguy kịch, mà chúng tôi không thể để họ ngoài cửa được”, bác sĩ Thắng nói. Chính vì vậy, trước đây, thời gian lọc máu của mỗi người là 4 giờ một lần thì hiện nay phải rút xuống còn 3,5 giờ một lần. Ông Hiệu (quê Thanh Hoá), bố của một bệnh nhân, cho biết: “Con tôi bị rút ngắn thời gian lọc máu, lượng độc tố chưa thải ra hết làm sao tránh khỏi tình trạng mệt mỏi”.  
Hiện nay, vì chỉ một số ít bệnh viện trung ương có khoa lọc máu -thận nhân tạo trong khi số người mắc bệnh ngày càng tăng (Bộ Y tế cho biết đã có trên 5.000 người suy thận) nên các viện này luôn trong tình trạng bệnh nhân phải chờ giường. Bên cạnh đó, 2/3 số máy của bệnh viện đã cũ nát, lạc hậu, tình trạng máy hỏng lại diễn ra thường xuyên. Có người phải chờ đợi lâu, nhưng khi lên đến giường bệnh thì máy lại hỏng. Giáo sư Nguyễn Nguyên Khôi, cố vấn chuyên môn của bệnh viện, thẳng thắn nhận xét: “Chất lượng chạy thận nhân tạo ở bệnh viện Bạch Mai là kém nhất trong cả nước vì quá tải. Nhưng chúng tôi chưa thể có giải pháp khắc phục”.
Cũng theo các bác sĩ, người dân đổ về Bạch Mai điều trị vì đây là nơi duy nhất có hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo. Hiện Khoa thận nhân tạo của bệnh viện đang điều trị thường xuyên cho hơn 300 người bệnh, có 70 người nghèo chỉ phải trả 60.000-150.000 đồng so với giá chung là 300.000 đồng mỗi lần.
Trước thực trạng này, nhằm giảm chi phí đi lại cho người bệnh và giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương, giáo sư Nguyễn Nguyên Khôi đã viết dự án “Xây dựng mạng lưới lọc máu kết hợp điều trị bệnh nhân nghèo ở Việt Nam”. Theo đó, cần có hệ thống lọc máu từ Trung ương đến tỉnh, mỗi tỉnh sẽ có một khoa thận niệu với 10 máy, phục vụ 40 người bệnh và đảm bảo phúc lợi xã hội. Dự án này đã trình Bộ Y tế từ tháng 10/2002 và đang chờ đợi phê duyệt.
Đoàn Loan  
Close [X]
1gom
1gom