Mỹ sẽ cung cấp thông tin về NMD cho Trung Quốc

D
Một cuộc thử thành công động cơ rocket dự định sử dụng trong hệ thống NMD tại căn cứ Vandenberg (California, 31/8).

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Sean McCormack hôm qua đã xác nhận thông tin này. Cụ thể, Mỹ sẽ thông báo trước cho Trung Quốc về các kế hoạch thử lá chắn tên lửa. Trước mắt là những cuộc hội đàm trong vài tuần tới nhằm thuyết phục Bắc Kinh rằng họ không bị NMD đe doạ và vì vậy, không nên đẩy nhanh việc phát triển các tên lửa hạt nhân hướng về phía Mỹ. Theo ước tính của các nhà phân tích vũ khí nước này, Trung Quốc hiện có khoảng hơn hai chục tên lửa hạt nhân có thể tới bắn được tới Mỹ.
Một quan chức trong chính quyền Bush tiết lộ rằng, nhằm lấy lòng Bắc Kinh, Mỹ có thể sẽ chấp nhận để cường quốc châu Á bắt đầu lại việc thử vũ khí hạt nhân trong tương lai. Các cuộc thử sẽ cho phép Trung Quốc phát triển một thế hệ tên lửa mới cơ động và lắp được nhiều đầu đạn.
Đây là một phần trong chính sách mới của Washington, trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Bush tới Bắc Kinh vào tháng tới. Theo lời ông McCormack, các cuộc thảo luận sẽ “ở mức độ tham khảo”, tương tự như những cuộc đàm đạo với quan chức Nga và châu Âu.
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, hôm 1/9, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với một hãng sản xuất vũ khí của Trung Quốc, với lý do nước này vẫn tiếp tục xuất khẩu công nghệ tên lửa sang Pakistan đồng thời cấm các công ty Mỹ phóng vệ tinh trên tên lửa Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt chủ yếu mang tính tượng trưng và có thể sẽ được dỡ bỏ sau này. Nhưng nó thể hiện chính sách cây gậy và củ cà rốt của Washington. Một mặt đưa ra những đề nghị hấp dẫn để kéo Trung Quốc vào đàm phán về NMD, một mặt tỏ ra cứng rắn trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hệ thống NMD (Phòng thủ Tên lửa Quốc gia), cho phép Mỹ chặn đứng các tên lửa bắn từ nước khác, là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Bush.Washington hiện vẫn chưa đưa ra được một sơ đồ cụ thể cho hệ thống này, nhưng nó có lẽ sẽ bao gồm cả mạng lưới trên đất liền, trên biển, và có thể là trong không gian. Chính quyền Bush luôn khẳng định là NMD không nhằm đối phó với những cường quốc như Trung Quốc, mà chỉ đề phòng khủng bố và những nước như Iraq, Iran và CHDCND Triều Tiên.
Sau khi Lầu Năm Góc thực hiện thành công một vụ thử tên lửa hồi tháng 7, Tân Hoa Xã đã nhận xét rằng NMD “không chỉ đưa tới một cuộc chạy đua vũ trang mà còn đe doạ hoà bình và an ninh thế giới, đồng thời khuyến khích phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Vừa từ Trung Quốc trở về, Thượng nghị sĩ Arlen Specter thuộc Đảng Cộng hoà đã có lời bình luận như sau về các thông tin trên của Nhà Trắng: “Chúng ta đang nhìn vào một quốc gia có 1,25 tỷ dân và họ đang trở thành một siêu cường. Tôi không muốn họ hùng mạnh hơn nữa trong vấn đề hạt nhân. Chúng ta cần phải hoạch định chính sách làm sao để tránh được điều đó”.
Minh Châu (theo Washington Post, Reuters)

Close [X]
1gom
1gom