Ông Milosevic trước tòa. |
Đây được coi là vụ án “tội phạm chiến tranh” lớn nhất ở châu Âu kể từ sau phiên tòa ở Nuremberg (xét xử tội phạm Thế chiến II). Ông Milosevic bị buộc tội gây ra cái chết của 900 người Kosovo gốc Albania và trục xuất 800.000 người khác vào năm 1999.
Đầu tuần này, các công tố viên của tòa án quốc tế bay tới Belgrade để tiếp tục tìm thêm thông tin. Nhưng, tuy đã phỏng vấn rất nhiều người từng có thời gian thân cận với ông Milosevic, kể cả những người đang bị tù, đoàn công tố viên, đứng đầu là luật sư người Anh Geoffrey Nice, vẫn ra về tay không.
Hôm 27/1, La Haye thông báo đã sẵn sàng cho việc xử ông Milosevic về tội ác “chống lại nhân loại” trong cuộc xung đột ở Kosovo. Nhưng Florence Hartman, phát ngôn viên của công tố viên trưởng Carla Del Ponte, lại cho biết, tuần này tòa án mới quyết định có hoãn vụ xử (theo kế hoạch bắt đầu vào ngày 12/2) lại hay không.
Các công tố viên muốn tòa xử tội này cùng lúc với những “tội ác chiến tranh của ông Milosevic tại Bosnia và Croatia”, mà theo họ là đã “có rất nhiều bằng chứng”. Nội dung cụ thể sẽ được đem ra thảo luận vào ngày mai (30/1). Nhưng nếu xem xét đồng loạt các tội danh, La Haye sẽ phải hoãn vụ xử lại tương đối lâu để chuẩn bị thêm các bằng chứng bổ sung.
Bà Hartman phủ nhận tin cho rằng vụ án của ông Milosevic sẽ bị hoãn. Bà nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng, hoàn toàn không có vấn đề gì với vụ xử các tội ác diễn ra tại Kosovo”.
Theo các chuyên gia, đến nay các chứng cớ thu được vẫn không đủ sức kết tội Milosevic, bởi một phần chứng cứ chỉ thuần túy là những gì các cơ quan của phương Tây đóng ở Kosovo thu thập được, trước khi máy bay NATO tiến hành oanh kích Nam Tư (tháng 3/1999). Phần còn lại lấy từ lời khai của những nạn nhân chiến tranh người gốc Albania. Vì đều không xuất phát từ các cuộc điều tra của tòa án, nên độ tin cậy của các chứng cứ là một câu hỏi lớn.
Những thành viên của nội các Nam Tư dưới thời ông Milosevic có thể cung cấp những bằng chứng quan trọng nhất mà tòa án quốc tế đang cần. Vấn đề là không một ai trong số họ sẵn sàng đưa ra những chứng cứ ấy và họ hiển nhiên không muốn tới La Haye để làm chứng chống lại người bị báo chí phương Tây mệnh danh là “tên đồ tể vùng Balkans”.
Cho đến nay, trong con mắt những người ủng hộ ông Milosevic, quân nổi dậy Albania ở Kosovo vẫn là những kẻ “khủng bố” và vụ xử cựu tổng thống Milosevic là âm mưu của phương Tây chống lại những người Serb yêu hòa bình. Họ không muốn làm chứng trước tòa vì sợ sẽ bị đồng bào coi là “những kẻ phản bội”.
Ngoài ra, trong 90 nhân chứng tòa triệu tập để cung cấp các bằng cớ luận tội ông Milosevic, có một số người đã chết.
Chính quyền Serb vẫn đang lúng túng trước yêu cầu của ông Nice về việc giao nộp hai cố vấn hàng đầu của ông Milosevic: Nikola Sainovic, từng là chỉ huy trực tiếp của các lực lượng an ninh tại Kosovo, và Vlajko Stoiljkovic, cựu bộ trưởng nội vụ. Cùng với ông Milosevic, hai người này bị truy tố về các tội ác chiến tranh tại Kosovo năm 1999.
Đội công tố viên của Liên Hiệp Quốc đã tiến hành 3 cuộc thẩm vấn Rade Markovic, người đứng đầu lực lượng mật vụ dưới thời ông Milosevic tại một nhà tù ở Belgrade. Ông Markovic bị tố cáo có tham gia vào vụ ám sát hụt cựu lãnh đạo của Nam Tư, ông Vuk Draskovic.
Dusan Masic, luật sư của Markovic, cho biết, thân chủ của ông sẵn sàng tới tòa án La Haye. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, Markovic sẽ không đưa ra những chứng cứ buộc tội cựu tổng thống Liên bang Nam Tư.
Xuân Tùng (theo Telegraph)