Bầu cử Ukraina nhìn từ nhiều góc độ

Kết quả bầu cử tổng thống Ukraina là một minh chứng về làn sóng “cách mạng” tràn qua Trung và Đông Âu trong 15 năm qua.
Cách mạng Da cam, cùng Cách mang Nhung ở Tiệp Khắc (cũ), Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia và tất cả những cuộc cách mạng hoà bình không tên khác, đã làm thay đổi hoàn toàn bức tranh chính trị châu Âu.
EU
Sau chiến thắng của Victor Yushchenko, Liên minh châu Âu có lẽ sẽ điều chỉnh lại thái độ lãnh đạm xưa nay của họ đối với khả năng Ukraina gia nhập khối. Sẽ có những tiếng nói ở EU kêu gọi nhanh chóng ủng hộ nước Ukraina mới, một đất nước giờ đây đã sẵn sàng đón nhận những quan điểm của phương Tây về cải cách chính trị và kinh tế.
Khi được Tổng thống Leonid Kuchma chỉ định làm thủ tướng năm 1999, Yushchenko, có thời đứng đầu ngân hàng quốc gia Ukraina, bắt đầu một loạt hoạt động cải cách kinh tế. Tuy nhiên, những biện pháp của ông gặp phải một loạt rào cản, khiến Yushchenko mất chức năm 2001. Những chính sách của ông giờ sẽ có dịp tái xuất.
Ukraina đã có thoả thuận đối tác với EU, nhưng chưa đạt tới quy chế thành viên. Giờ đây, Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ sớm đưa Ukraina lên lịch trình của mình.
Katinka Barysch và Charles Grant thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu bình luận: “EU nên và có lẽ sẽ xem xét lại quan điểm bấy lâu của mình là Ukraina (dẫn lời chủ tịch Uỷ ban châu Âu mới mãn nhiệm Romano Prodi) vào EU thì cũng hợp lý như New Zealand gia nhập khối này”. Theo họ, kinh nghiệm ở các nước Đông Âu cho thấy những đổi thay nhanh chóng ở chính trị trong nước sẽ dẫn tới những biến chuyển nhanh chóng trong quan hệ đối ngoại.
NATO
Còn đối với NATO, tổ chức này cũng đã có một thoả thuận đối tác với Ukraina. Khác với EU, Kiev chưa muốn bước vào cánh cửa thành viên mà NATO từ lâu đã rộng mở. Điều này có thể thay đổi trong tương lai, cho dù Yushchenko cần giữ quan hệ hữu hảo với Nga và ý thức dân tộc của ông cũng sẽ không tán thành việc này.
Mỹ  
Yushchenko sẽ không dễ để Mỹ điều khiển, tuy có nhiều lời cáo buộc rằng người vợ Mỹ Kateryna có nhiều ảnh hưởng đối với ông Là nhân vật theo tư tưởng bảo thủ mới, bà từng giữ một chức vụ trong văn phòng về nhân quyền tại Bộ Ngoại giao Mỹ thời tổng thống Reagan. Việc Yushchenko ủng hộ rút toàn bộ lực lượng Ukraina (1.600 quân) khỏi Iraq có thể sẽ tác động xấu đến quan hệ hai nước.
Nga
Không ở đâu khủng hoảng chính trị Ukraina lại được theo dõi sát như ở Nga. Từ lâu, Matxcơva đã nhận định rằng kết quả bầu cử sẽ định hình mối quan hệ giữa 2 nước có lịch sử gắn bó lâu đời về kinh tế, xã hội và tôn giáo. Nó sẽ xác định chính sách đối ngoại của Nga trong những năm tới, nhất là khi Tổng thống Vladimir Putin còn tại chức.
Khi Putin lên nắm quyền năm 2000, ông hứa sẽ khôi phục lại tầm vóc của Nga ở “khu vực ảnh hưởng truyền thống” – các nước thuộc Liên Xô cũ. Thất bại của ông Yanukovich, người được Matxcơva trực tiếp ủng hộ bằng tiền, tinh thần, thời lượng quảng cáo trên truyền hình, cho thấy mức ảnh hưởng này không còn lớn như trước.
Nghị sĩ Nga theo đường lối cứng rắn Dmitry Rogozin bình luận rằng những nhân vật trong điện Kremlin giúp tranh cử cho Yanukovich sẽ phải “trả giá” cho sai lầm của họ. Theo Rogozin, những người này “đã vô tình tạo ra một hình ảnh sai lệch về nước Nga trong lòng người Ukraina”, khi mô tả Yushchenko là một tên phát xít, một người bài Do Thái, ghét Nga và thân Mỹ.
Tờ Pravda cánh tả lại dự đoán kết quả bầu cử có nghĩa là “chúng ta sẽ mất tuyến đường xuất khẩu dầu và khí sang Mỹ hay EU” (các đường ống dẫn dầu khí của Nga sang châu Âu phải qua Ukraina). Theo họ, “Nga sẽ không còn tồn tại với tư cách là một cường quốc thế giới nữa”. Pravda quy trách nhiệm cho Washington.
Cánh trung dung lại đưa ra một viễn cảnh khác. Tờ Kommersant dự đoán kết quả sau khủng hoảng chính trị Ukraina có nghĩa là “virus Cách mạng Da cam giờ đây sẽ lan sang Nga. Sự chuyên chế mới ở Nga không bao lâu sẽ chấm dứt”.
Các tờ báo thân với điện Kremlin thì tránh đánh giá về tác động của cuộc bầu cử.
Yushchenko từng tuyên bố nếu đắc cử, Nga sẽ là nước đầu tiên ông viếng thăm với tư cách là tân tổng thống. Việc Ukraina phụ thuộc vào Matxcơva (khoảng 90% nguồn dầu khí) cho thấy Kiev khó mà quay lưng với nước láng giềng to lớn ở phương bắc.
Đông Ukraina
Miền đông Ukraina sẽ không bao giờ hoan nghênh Yushchenko làm tổng thống. Khu vực có đa số dân chúng nói tiếng Nga này luôn thiên về Matxcơva hơn là phương Tây. Người dân tại đây ngờ vực Yushchenko, và đa số bỏ phiếu cho Yanukovich. Chắc chắn họ sẽ theo dõi các bước đi của tân tổng thống sát sao, khi ông tìm cách cải cách nền kinh tế.
Miền đông nắm vai trò đầu tàu kinh tế của Ukraina, nhờ các mỏ than và nhà máy. Một số thợ mỏ từng tuyên bố nếu ông Yushchenko tìm cách cắt giảm ngân sách quốc gia và trợ cấp, dẫn tới việc đóng cửa mỏ than và thất nghiệp, họ sẽ tiến hành đình công.
Các thợ mỏ không chỉ ghét đường lối chính trị thân phương Tây mà còn lo ngại về chủ trương kinh tế của tân tổng thống. Tại thành phố trung tâm công nghiệp của Ukraina – Donetsk, nhiều công nhân tuyên bố sẽ chặn đứng toàn bộ hoạt động kinh tế ở đây nếu cần thiết.
Nhiều người khác ở Donetsk cũng bày tỏ quan ngại tương tự. Rinat Akhmetov – một trong những doanh nhân giàu nhất Ukraina sống tại đây – bị Yushchenko coi là can thiệp quá sâu vào chính trị. Akhmetov ủng hộ Yanukovich, nhưng trước sự đã rồi, nay ông cũng tuyên bố sẵn sàng làm việc với tân tổng thống.
Yushchenko từng phát biểu ông muốn điều tra việc tư hữu hoá các xưởng thép được Akhametov mua lại với giá 880 triệu USD, vì cho rằng giá bán như vậy quá rẻ mạt. Akhmetov bình luận: “Tôi có phải là người tổ chức việc bán đâu, chỉ là người ra giá mua thôi mà, nếu tân tổng thống muốn điều tra thì đó là việc của ông ấy”.
Các doanh nhân như Akhmetov trong tương lai chắc chắn có ít ảnh hưởng hơn, một dấu hiệu cho thấy cuộc sống ở miền đông Ukraina và những vùng còn lại của đất nước sẽ thay đổi rất nhiều trong những tháng tới đây.
M.C. (theo BBC)
 
 

1gom