Biểu đồ miễn dịch của trẻ nhỏ. |
Thai nhi sống trong bụng mẹ được bảo vệ chu đáo về mọi mặt nhờ hệ thống miễn dịch tự nhiên của người mẹ. Hệ thống này ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn qua da, niêm mạc; ngay cả khi các mầm bệnh này lọt vào được, chúng cũng bị các bạch cầu tiêu diệt. Ngoài ra, người mẹ còn truyền cho con nhiều kháng thể qua rau thai. Khi đứa trẻ ra đời, cùng với việc cắt rốn, nguồn kháng thể quý giá từ mẹ truyền sang cũng bị cắt theo, khiến lượng kháng thể của trẻ giảm đột ngột. Trong khi đó, trẻ phải tiếp xúc với rất nhiều vi khuẩn trong không khí, ở những người chăm sóc và các dụng cụ ăn uống.
Rất may là nguồn kháng thể của trẻ được bổ sung ngay khi bú sữa mẹ. Trong sữa mẹ có nhiều yếu tố miễn dịch như IgA, bạch cầu và các nucleotide TPAN (Total Potentially Available Nucleotides). Chúng giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là tiêu chảy và viêm phổi – 2 bệnh phổ biến nhất và gây tử vong cao nhất ở trẻ dưới 1 tuổi. Vì vậy, các bà mẹ cần cho con bú sữa để có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và cung cấp các yếu tố miễn dịch.
Khi trẻ bắt đầu ăn sam, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch nhân tạo hoặc miễn dịch thích nghi. Các chất quan trọng cần được cung cấp đủ bao gồm:
– Axit amin, chẳng hạn như arginine, glutamine…
– Axit béo như omega 3 và omega 6.
– Chất khoáng (kẽm, đồng, sắt, selen, magie…).
– Vitamin: Gồm vitamin B2, B6, B9 (axit folic), B12, biotin và các vitamin nhóm C, A, D, E).
– Các chất flavonoid, glutathione.
Để cung cấp đủ các chất trên, trẻ cần có chế độ ăn rất đa dạng với nhiều loại thức ăn khác nhau. Ngoài ra, nên cho trẻ uống thêm sữa vì trong thực phẩm này có rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu. Cần chú ý các loại sữa bổ sung TPAN vì nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc cho thấy, chất này có khả năng tăng cường hệ miễn dịch của trẻ (gia tăng nồng độ kháng thể, gia tăng hàm lượng IgA huyết thanh, giảm tần suất tiêu chảy…).
Nếu muốn biết thêm thông tin về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, xin click vào đây.
GS Từ Giấy