Thị trường thử thách VF1

c
Nhà đầu tư nước ngoài đổ sang mua VF1.

So với các loại chứng khoán niêm yết khác, chứng chỉ VF1 có tính thanh khoản cao. Theo số liệu của VietFund, trong ba tháng rưỡi vừa qua (từ ngày 8/11/2004 đến 25/2/2005) tổng khối lượng chứng chỉ VF1 được giao dịch lên tới gần 5 triệu, trung bình khoảng 67.300 chứng chỉ/phiên. Người mua VF1 phần lớn là các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi người bán là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Người nước ngoài hiện sở hữu 26,19% chứng chỉ VF1 và họ đang tiếp tục mua thêm.
Lý do những nhà đầu tư nhỏ lẻ bán ra VF1 (vào thời điểm VF1 huy động vốn, có tới 819 nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ ở mức dưới 100 triệu đồng/người) có thể là vì họ chưa hiểu hết bản chất quỹ đầu tư và không loại trừ khả năng họ đã có những tính toán vội vàng với VF1.
Quỹ Vietfund là một công cụ đầu tư trung, dài hạn. Tháng 4 năm ngoái, VietFund chỉ cần mười ngày để phát hành hết 300 tỷ đồng chứng chỉ VF1. Khi đó thị trường chứng khoán đang rất “nóng”, chỉ số VN-Index là 260 điểm, tăng 100% trong vòng 7 tháng, doanh số giao dịch cổ phiếu bình quân 4 – 5 tỷ đồng/ngày. Trong bối cảnh giá cổ phiếu lên, các nhà đầu tư rất nhiệt tình với VF1. VietFund không chọn thời điểm để phát hành VF1, nhưng họ đã gặp may khi gọi vốn cho quỹ.
Trong số các cổ đông của VF1, không ít người đã cho rằng sau khi niêm yết (kế hoạch là tháng 6 hoặc 7/2004) giá chứng chỉ quỹ sẽ tăng theo đà tăng của thị trường, ít nhất cũng 1,2-1,3 lần mệnh giá ban đầu, và họ có thể bán ra ngay sau khi niêm yết để kiếm lời. Thế nhưng VF1 đã phải chờ đợi sáu tháng để được niêm yết trong khi tình hình giao dịch chứng khoán chững lại, nguội dần. Lượng giao dịch và giá của những cổ phiếu hấp dẫn nhất trên sàn cũng giảm và kéo dài cho đến nay, mặc dù mức sụt giảm không bằng năm 2002 – 2003.
Một số cổ đông VF1 đã không đủ kiên nhẫn nắm giữ chứng chỉ quỹ lâu hơn nữa. Do đó khi VF1 niêm yết, họ lập tức bán ra. Họ chỉ quan tâm thu hồi vốn càng nhanh càng tốt, kết quả là cung vượt cầu, giá VF1 “tụt dốc”.
Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, giá VF1 hiện nay là một món lời. Giá giao dịch trên sàn giảm nhưng tổng giá trị tài sản ròng (NAV) trên một chứng chỉ quỹ VF1 lại tăng, hiện khoảng 10.400 đồng. “Ở Mỹ, giá giao dịch của chứng chỉ quỹ đầu tư thường thấp hơn NAV, còn một phần nhỏ là trên NAV. Giới đầu tư chấp nhận điều đó, vì họ kỳ vọng vào sự tăng trưởng của NAV. Khi hết hạn hoạt động, các quỹ sẽ bán tài sản để chia cho cổ đông theo tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ” – Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, cho biết.
Trên thực tế NAV của VF1 đang tăng, trong khi chỉ số VN-Index giảm từ 260 (thời điểm VF1 huy động vốn) xuống 225 điểm, tức chứng khoán trên sàn nói chung mất giá bình quân 15%. Khoảng một phần ba số vốn của quỹ đã được Vietfund đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, một phần ba là tiền mặt và phần còn lại đầu tư vào chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết. Trong danh mục đầu tư của VF1, đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, nông lâm, hải sản chiếm tỷ trọng lớn, kế đó là các dự án cơ sở hạ tầng. Với cơ cấu như vậy, sự đầu tư của VF1 là thận trọng, an toàn.
Tuy nhiên, sự rớt giá chứng chỉ VF1 đang làm VietFund đau đầu. Có lẽ khi phát hành, VietFund đã không tính tới phương án giá giao dịch VF1 giảm 10-12%, thậm chí có thể 15%, so với mệnh giá.
Trước tình trạng này, VietFund đang chuẩn bị các “liều thuốc tâm lý” để chữa bệnh cho nhà đầu tư. Liều thuốc thứ nhất là tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư bằng cách chia cổ tức. Hiện tại cổ tức bình quân của chứng khoán trên sàn khoảng 5%/năm (cổ tức trung bình tính trên giá giao dịch chứng khoán, không phải trên mệnh giá. Ví dụ, cổ tức SACOM năm 2004 là 16%, nhưng giá giao dịch của SACOM hiện nay khoảng 36.000 đồng/cổ phiếu, nghĩa là cổ tức thật chỉ trên 4,5%/năm). Nếu chia, cổ tức của VF1 cho sáu tháng cuối năm 2004 sẽ là 2,5%.
Liều thuốc thứ hai là VietFund phải tăng mức công khai thông tin cũng như tuyên truyền về quỹ đầu tư. Những thông báo đơn giản hiện nay của VietFund về thay đổi NAV của VF1 hai tuần một lần chưa đủ đối với nhà đầu tư trong nước, vốn chủ yếu là những người đầu tư ngắn hạn.
Trong các cuộc thảo luận mới đây với đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VietFund đã kiến nghị 3 giải pháp: tăng tỷ lệ sở hữu chứng chỉ VF1 cho nhà đầu tư nước ngoài; cho phép VF1 mua vào chứng chỉ của chính mình và xóa, giảm vốn điều lệ (từ trước đến nay các công ty niêm yết được mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu ngân quỹ và bán ra lại vào thời điểm thuận lợi sau này, nhưng không xóa và giảm vốn); cho phép thành lập các quỹ đầu tư khác để nhà đầu tư có điều kiện so sánh hoạt động của VF1.
Ủy ban Chứng khoán cho biết đang nghiên cứu từng kiến nghị cụ thể. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu chỉ có thể thực hiện chung cho tất cả các doanh nghiệp chứ không thể cho riêng VF1, dù vấn đề này đang được Bộ Tài chính tích cực xúc tiến. Việc VF1 mua vào cổ phiếu của chính mình và giảm vốn chưa hề được đề cập trong các quy định về chứng khoán. Nếu cho phép sẽ phải sửa Nghị định 144 về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Close [X]
1gom
1gom