Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, chiến dịch diệt chuột lần này không dùng loại phosphua kẽm như trước đây, mà dùng một loại vi khuẩn đặc biệt có tên Biorat (chế phẩm của Cuba) để đưa vào thức ăn, nhằm gây bệnh thương hàn cho chuột. Đến nay, các cuộc nghiên cứu, khảo sát cho thấy loại vi khuẩn này chỉ gây bệnh cho chuột; không tác hại gì với người và những gia súc khác. Sau khi ăn phải, chuột sẽ mắc bệnh nhưng không chết ngay mà hai, ba ngày sau mới chết. Trong thời gian đó, chúng sẽ lây truyền, gây ra một “đại dịch” cho cả đàn chuột sống chung và làm cho chúng chết hàng loạt. Loại vi khuẩn này đã được đưa vào sử dụng diệt chuột tại một số bệnh viện trong thời gian qua.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, trung tâm đang lập kế hoạch diệt chuột để gửi cho Sở Y tế. Theo đó, việc diệt chuột bằng phương pháp sinh học sẽ được thực hiện tại các chợ, bến bãi, kho tàng, xí nghiệp, cơ quan hành chính; ưu tiên tấn công mạnhvào các chợ, xí nghiệp và trung tâm hành chính (130 địa điểm)… Ước tính sơ bộ kinh phí cho “chiến dịch” này lên đến gần 2 tỷ đồng, trong đó tiền thuốc khoảng 1,5 tỷ đồng; số còn lại dành cho việc xử lý xác chuột chết… Xác chuột sẽ được chôn lấp kỹ lưỡng, không để gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo bác sĩ Giang, Sở Y tế sẽ cố gắng thực hiện xong việc diệt chuột trong tháng 12 tới, hoặc chậm nhất cũng phải dứt điểm trong mùa khô; không để kéo dài đến mùa mưa sang năm bởi môi trường ẩm ướt dễ làm lây lan mầm bệnh khi chuột chết.
Mặc dù chưa có một con số thống kê cụ thể nhưng thiệt hại về kinh tế do chuột gây ra hằng năm trên địa bàn thành phố. Nó còn gây hại đến vệ sinh môi trường và sức khỏe con người, nhất là dẫn đến dịch hạch.
(Thanh Niên)