Lễ bế mạc Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN AMM-36. |
Vấn đề chính trị của Myanmar được xem là đề tài nóng bỏng nhất trong Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) lần này. Người đứng đầu bộ Ngoại giao 10 nước đã thảo luận vấn đề của Myanmar suốt buổi chiều qua và thêm hơn 1 tiếng đồng hồ sáng nay. Ngoại trưởng Myanmar Win Aung đã báo cáo lại diễn biến chính trị tại đất nước này, nhất là từ ngày 30/5 – khi nhà hoạt động dân chủ Aung San Sui Kyi bị bắt sau một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ bà với phe thân chính phủ. Phái viên đặc biệt của Tổng thư ký LHQ đã tới Myanmar để thuyết phục Rangoon thả nhân vật từng được trao giải Nobel Hoà bình, nhưng không thành công.
Không tiết lộ chủ đề cụ thể mà các ngoại trưởng bàn bạc tại hội nghị (vì có thể làm ảnh hưởng đến vấn đề nội bộ của Myanmar), song ông Hor Namhong khẳng định: “Chúng tôi đã ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Myanmar trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển”. Theo ông Namhong thì ASEAN đã thúc giục Myanmar nhanh chóng bình ổn tình hình trong nước, thảo luận với các đảng phái, trong đó có đảng Dân chủ, đồng thời đề nghị đất nước này sớm phóng thích, đảm bảo sự an toàn cho bà Suu Kyi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, vấn đề chính trị của một quốc gia được ra bàn thảo. Vấn đề Myanmar cũng đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. “Đó không còn là mối quan tâm của riêng Myanmar mà là của cả khu vực ASEAN” – Ngoại trưởng Singapore Surakiart Sathirathai khẳng định. Tuy nhiên, các ngoại trưởng ASEAN khẳng định cuộc thảo luận có tinh thần xây dựng với mong muốn tạo lập sự ổn định cho tất cả các thành viên trong khối.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Campuchia tiết lộ với VnExpress, tối nay, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell có thể sẽ có mặt tại Phnom Penh, Campuchia, để tham dự Diễn đàn an ninh khu vực (ARF-10) khai mạc vào sáng mai. Ông Powell cũng quyết tâm đưa vấn đề Myanmar vào chương trình nghị sự.
Thanh Hải (từ Phnom Penh)