“Phẫu thuật viên bị viêm gan B có thể lây bệnh của mình sang những bệnh nhân được ông ta mổ không?”.
Từ lâu, người ta đã biết rằng các phẫu thuật viên rất dễ bị lây bệnh viêm gan B (VGB) từ bệnh nhân mà họ tiến hành phẫu thuật, với một tỷ lệ rất cao, và lây bệnh viêm gan C (VGC) với một tỷ lệ thấp hơn. Nguyên nhân là dao kéo hay kim tiêm làm rách da tay của người mổ trong quá trình phẫu thuật (cho những người có bệnh viêm gan kèm theo).
Còn việc lây ngược VGB từ phẫu thuật viên sang bệnh nhân ít được đề cập nên tưởng chừng như không xảy ra. Vậy mà có đấy! Một tạp chí thực hành y học của Pháp thống kê được 11 trường hợp đã công bố. Trong đó, có 5 bác sĩ nha khoa, 3 bác sĩ phụ sản và 3 bác sĩ khoa phẫu thuật lồng ngực. Khi nhổ răng, tay phẫu thuật viên có thể bị thương do răng bệnh nhân hay dụng cụ nha khoa, và virus từ máu của bác sĩ nhiễm vào vết nhổ răng của người bệnh. Bác sĩ phụ sản có thể bị mũi kim đâm trúng khi tiến hành thủ thuật thăm dò; còn bác sĩ phẫu thuật lồng ngực có thể bị thương ở tay khi đục xương ức. Điều đặc biệt là:
– Cả 11 phẫu thuật viên gây tai họa nói trên trước đó đều không được tiêm chủng vacxin phòng VGB.
– Có 2 người bị VGB cấp tính; 9 mang virus B mạn tính.
Các công trình nghiên cứu nói trên càng cho thấy sự cần thiết phải tiêm phòng bệnh VGB cho các phẫu thuật viên, không những để bảo vệ bản thân họ mà còn đảm bảo không lây VGB từ họ (nếu có) sang bệnh nhân. Vacxin chống VGB phải được tiêm nhắc lại đều đặn 5 năm một lần, nhưng nhiều người quên mất điều đó.
Tuy nhiên, việc tiêm vacxin cũng không giải quyết được vấn đề một cách trọn vẹn. Những người trên 40 tuổi thường ít đáp ứng miễn dịch, nên việc tiêm phòng VGB ở độ tuổi này cho kết quả không cao. Ngoài ra, nếu trước khi được tiêm phòng, bệnh nhân đã mang virus B mạn tính thì cũng không có tác dụng.
Để tránh lây viêm gan cho bệnh nhân, nhân viên y tế cần nhớ:
– Khi định hướng nghiệp theo ngoại khoa, hãy đi thử máu tìm kháng thể viêm VGB. Những người mang virus VGB mạn tính không nên vào ngoại khoa.
– Một phẫu thuật viên nếu không may bị VGB cấp tính hoặc VGC trong giai đoạn tái lại, phải đình chỉ ngay việc mổ xẻ và các thủ thuật (soi ổ bụng, chọc hút màng bụng, màng phổi…), nghĩa là tránh mọi nguy cơ để máu mình giây sang máu bệnh nhân.
Có thể xem xét việc tiếp tục hành nghề ngoại khoa vào giai đoạn không tái lại của VGB mạn tính; tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những phẫu thuật viên này sẽ không để lây VGB sang bệnh nhân do họ mổ. Tốt nhất là nghỉ hẳn việc phẫu thuật cũng như các thủ thuật trên bệnh nhân.
Tạp chí y học nói trên cũng cho biết, đã phát hiện được 1 trường hợp lây VGC từ một chuyên gia mổ tim sang bệnh nhân của ông. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, sau khi được tiêm bằng kim có giây máu của người bị VGB, nguy cơ lây bệnh sẽ là 30%, còn nếu là VGC thì tỷ lệ này chỉ có 3%. Cũng may, bởi vì cho đến nay người ta vẫn chưa chế tạo được vacxin để tiêm phòng VGC.
(còn tiếp)
LTS: “Cuốn 500 giải đáp y học theo yêu cầu bạn đọc của tiến sĩ Lê Trọng Bổng là kết quả của việc chọn lọc, sắp xếp các thư trả lời độc giả về các vấn đề y khoa trong nhiều năm. Bằng lối diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, tác giả đã truyền đạt kịp thời những thông tin đáng tin cậy đến bạn đọc nhờ vận dụng những kinh nghiệm của bản thân, kết hợp nhuần nhuyễn với kiến thức thu nhận được từ các tài liệu trong và ngoài nước. Tiến sĩ Lê Trọng Bổng là phẫu thuật viên khoa ngoại tổng quát và phẫu thuật lồng ngực, giảng viên đại học và biên tập viên báo chí khoa học.
Sách do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2001”.