Sàn OTC đang vắng vẻ

ff

10h sáng tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chẳng còn ai theo dõi bảng thông báo trực tuyến giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội (nơi giao dịch các loại cổ phiếu chưa niêm yết – sàn OTC), trong khi đến 11 giờ mới hết phiên giao dịch. Trong khi đó, cũng tại đây, gần 20 nhà đầu tư đang theo dõi và bàn luận sôi nổi trước bảng giao dịch của sàn chứng khoán TP HCM.
Theo những nhà đầu tư cá nhân, các cổ phiếu được mua bán trên sàn OTC cũng khá hấp dẫn, có tiềm năng chứ không phải “làng nhàng”, nhưng với giao dịch thỏa thuận, ai cũng có thể làm giá trên thị trường được.
“Muốn lôi một cổ phiếu xuống để mua rẻ không khó. Giá thị trường hôm nay 19 (nghìn đồng/cổ phiếu), tôi sẽ thỏa thuận anh bán cho tôi 18. Mai tôi bán lại cổ phiếu cho anh với giá 17 để thị trường xuống và anh em mình mua được nhiều hơn. Sẽ không phải mất nhiều tiền nếu ai đó muốn “làm giá” một cổ phiếu trên thị trường OTC”, một người chơi chứng khoán phân tích.
Một nhân viên môi giới chứng khoán của BVSC cũng đồng tình với nhận định trên. Anh này cho rằng biên độ 10% đã đủ rộng với giao dịch trên sàn OTC. “Nếu tôi muốn đẩy giá ngày mai lên, tôi sẽ tìm người mua cùng thỏa thuận mức giá trần hôm nay, thế là giá tham chiếu ngày mai sẽ bị đẩy lên”. Chính vì vậy, nhà đầu tư rất khó biết được giá trị thực của cổ phiếu.
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Vũ Bằng – Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng đã áp dụng phương thức thỏa thuận thì phải chấp nhận một số nhược điểm. Muốn chống làm giá thì phải chấp nhận những biện pháp hạn chế tính mở của thị trường. “Việc làm giá sẽ tạo ra giá ảo ban đầu, nhưng chỉ được một thời gian. Dần dần người ta sẽ thấy giá đó không phù hợp”, ông Bằng nói.
Một lý do nữa khiến nhà đầu tư và công ty chứng khoán không hào hứng với OTC bởi họ quá mất thời gian trong việc đàm phán lệnh và nhận lệnh khi giao dịch. “Không những mất thời gian, giảm tính thanh khoản, giao dịch thỏa thuận khiến cho OTC gần như không có người tạo lập thị trường”, một nhân viên môi giới chứng khoán của BVSC nói.
Theo ông Vũ Bằng, trước khi ra đời, sàn OTC đã được xây dựng hai hệ thống giao dịch báo giá và thỏa thuận. Nhưng sau đó, do chủ trương đưa giao dịch thỏa thuận trước nên phần mềm được sửa lại. Nếu muốn đưa thêm giao dịch báo giá vào hệ thống sẽ phải mất khoảng một đến một tháng rưỡi. Nếu không thử nghiệm kỹ sẽ gặp phải tình trạng rối loạn thông số trên thị trường như trường hợp mới xảy ra với VN-Index. Tuy nhiên, ông cho biết, việc sửa đổi phần mềm và đưa giao dịch báo giá lên sàn OTC sẽ được thực hiện sớm trong thời gian tới.
Hiện các nhà đầu tư chỉ biết lượng thông tin ít ỏi về thị trường OTC trên trang web của sàn chứng khoán Hà Nội ( www.hastc.org.vn). Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), những thông tin về tổng số nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá tại sàn OTC (bao gồm số nhà đầu tư cá nhân và tổ chức), tổng số cổ phần đăng ký mua đấu giá vào thời điểm hết thời hạn được đăng ký tham gia đấu giá qua mạng cần được công khai.
“Các nhân viên của trung tâm giao dịch chứng khoán có điều kiện nắm được đầy đủ danh sách các nhà đầu tư, nắm chính xác cung, cầu. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để có thể phát sinh tiêu cực. Hoàn toàn có thể xảy ra những hiện tượng như các nhân viên nội bộ nắm thông tin để giao dịch nội gián, tạo điều kiện cho người thân quen mua được giá tiết kiệm nhất và có thể thu lợi lớn từ việc bán thông tin”, ông Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, nói.
Ngoài ra, bản công bố thông tin về doanh nghiệp bán đấu giá cổ phần cũng như website của Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội chưa có phần tiếng Anh để dành cho nhà đầu tư nước ngoài. “Rào cản ngôn ngữ này sẽ ngăn cản dòng vốn tiềm năng chảy vào thị trường chứng khoán”, VAFI nêu trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng yêu cầu công khai hơn thông tin trên thị trường chứng khoán Hà Nội.
Đánh giá về thị trường non trẻ này, ông Vũ Bằng cho rằng: “Sàn OTC mới mở được một tháng, nên nhìn nhận phải bình tĩnh, cố gắng chịu đựng thêm một thời gian nữa để có những hình thức chỉnh sửa thích hợp”.
(Theo TBKTSG)
 

1gom