Sau khi sinh con, bạn sẽ phải đối mặt với khá nhiều phiền toái để có thể vừa duy trì được nhịp sống cũ vừa bắt kịp với cuộc sống mới có thêm một thành viên tí hon. Trước tiên, cần sắp xếp thời gian để có thể trông coi bé chu đáo, nhưng bạn vẫn được nghỉ ngơi đầy đủ. Sau đó là những bài tập nhẹ nhàng để lấy lại vóc dáng thon gọn cũ, đầu tóc và quần áo cũng phải sửa sang chút ít để có thể phù hợp với một “hình ảnh” mới: Một bà mẹ trẻ trung và xinh đẹp!
Phục hồi cơ và các khớp xương
Phụ nữ sau khi sinh có huyết mạch suy yếu, khí huyết lưu thông khó khăn nên thường xuất hiện các triệu chứng đau lưng, đau cơ và các khớp xương. Không chỉ gây mệt mỏi, những triệu chứng này về lâu dài có thể ảnh hưởng đến vóc dáng và tư thế của bạn. Các bác sĩ khuyên rằng: phòng ở của bạn nhất thiết phải sạch sẽ, thông thoáng nhưng tránh gió trời thổi trực tiếp để gió lạnh không xâm nhập vào người gây ảnh hưởng đến các khớp xương.
Tuy nói rằng sau khi sinh, bạn nên sớm ngồi dậy nhưng cũng tùy theo sức khỏe của từng người. Bạn không nên miễn cưỡng hoạt động sớm, đứng ngồi quá lâu hoặc làm những công việc nặng… vì sẽ làm tổn thương đến xương cốt và có thể gây những ảnh hưởng nhất định đến dáng vóc của bạn như lệch vai, gù lưng, dáng đi thiếu khoan thai… Hơn nữa, dù đang trong mùa hè nóng nực, bạn cũng không nên điều chỉnh máy điều hòa nhiệt độ xuống mức quá thấp. Phải để cho làn da bài tiết được mồ hôi mới tốt. Phòng điều hòa nhiệt độ vẫn nên có cửa thông gió, quạt điện không nên quạt thẳng vào người…
Trong dân gian có khá nhiều bài thuốc dành cho người bị đau lưng, mỏi cơ sau khi sinh mà bạn có thể tham khảo. Chẳng hạn: Lấy 30 g cành dâu tươi nấu chung nới một con gà mái rồi ăn thịt và nước, sẽ rất tốt cho cả da và cơ. Hoặc làm sạch 2 quả bầu dục rồi nấu chung với 10 g đỗ trọng, ăn thường xuyên sẽ có tác dụng giảm đau lưng sau khi sinh. Để điều trị bên ngoài, bạn có thể tìm mua 30 g cành dâu, 15 g độc hoạt, 10 g quế chi, 3 miếng gừng sống, 10 g đương quy… sắc chung với nhau để lấy nước. Mỗi ngày 2 lần, bạn lấy miếng gạc sạch thấm nước thuốc đắp vào chỗ đau cơ, đau khớp trong khoảng 30 phút. Tốt nhất là đắp vào chỗ đau khi nước thuốc đang ấm.
Trở lại thắt đáy lưng ong
Làn da được cấu tạo bởi các sợi collagen và elastin có tính đàn hồi, chính nhờ tính đàn hồi này mà da có thể co giãn. Khi thì da giãn ra để chứa mỡ, cũng có khi để chứa… một em bé. Khi bạn mang thai, vùng da ở bụng phải kéo giãn một lượng lớn và trong một thời gian dài dẫn đến việc tính đàn hồi của da bị “quá tải”. Mặt khác, dưới lớp biểu bì của da có chứa một lượng nước nhất định để có thể giữ cho da có độ ẩm mịn màng. Sau khi bạn sinh em bé, các sợi keo đàn hồi co lại, lượng máu tuần hoàn giảm sút kéo theo sự điều tiết các lượng hoóc môn giảm, lớp biểu bì mất nước làm cho làn da, nhất là da ở vùng bụng, trở nên khô rạn, căng nứt rất khó chịu. Nếu không có những biện pháp khắc phục kịp thời, vùng da bụng sẽ bị lão hóa nhanh chóng, những vết rạn sẽ chuyển thành những nếp nhăn không thể xóa mờ.
Có thể phục hồi da vùng bụng tại thẩm mỹ viện đồng thời thực hiện những “liệu pháp” của riêng mình tại nhà: Lấy 1 lòng đỏ trứng gà trộn với 1 thìa dầu thực vật, 1 chút hàn the, 20 giọt chanh vắt thành một hỗn hợp để đắp lên vùng da bụng, mỗi ngày 1 lần vào buổi tối, mỗi lần 10 phút thì rửa sạch.
Mỗi ngày, bạn cũng có thể đắp hỗn hợp sau lên vùng da bị rạn trong vòng 15 phút: lấy 1 củ khoai tây luộc giã nhuyễn trộn với 1 thìa chanh vắt và 1 thìa glycerin (mua ở hiệu thuốc).
(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)