McVay và Indianapolis năm 1945. |
Giám đốc Cơ quan Phát ngôn của Hải quân, ông Greg Smith, cho biết đã nhận được chỉ thị của Bộ trưởng Hải quân xoá tội cho thuyền trưởng tàu USS Indianapolis, ông Charles Butter McVay III. Đây là bước tiếp theo sau một nghị quyết của Quốc hội, được cựu tổng thống Clinton ký năm trước, về việc không công nhận tội danh của McVay và trao tặng phần thưởng Đơn vị hải quân danh dự cho tàu và thuỷ thủ đoàn Indianapolis.
Trận thuỷ chiến 56 năm trước
Tàu USS Indianapolis, do thuyền trưởng Charles Butter McVay chỉ huy, là chiến hạm chở quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ tới đảo Tinian (thuộc quốc đảo Micronesia) ngày 26/7/1945. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nó được lệnh của Trung tâm Chỉ huy Hải quân tại Guam lên đường tới vịnh Leyte, Philippines, nhằm hỗ trợ tàu USS Idaho đề phòng nguy cơ tấn công của tàu Nhật. 0h14’ sáng 30/7/1945, Indianapolis bất thần đụng phải trận địa thuỷ lôi do tàu ngầm Nhật Bản I-58 phóng ra. Hai trong 6 quả thuỷ lôi phát nổ. Một quả khiến Indianapolis chao đảo, quả thứ hai bồi thêm vào mạn phải gần giữa thân tàu, sát nơi chứa thuốc nổ và bình nhiên liệu, khiến sống tàu nứt toác và lật nghiêng sang trái. Chỉ vài phút sau, Indianapolis đã chìm xuống biển. 5 ngày sau vụ đắm tàu, 316 trong số 1.196 người trên Indianapolis mới được phát hiện và cứu sống, trong đó có thuyền trưởng McVay.
Bản luận tội vội vàng
Vụ đắm đầu gây ra làn sóng hoang mang trong toàn lực lượng hải quân Mỹ đóng tại vùng biển Nam Thái Bình Dương. Ngày 13/8/1945, tòa án binh đã xét xử kín tại Guam, luận tội thuyền trưởng McVay, dù chưa thu thập đủ bằng chứng. Thuyền trưởng McVay bị tuyên phạm tội: không đảm đương được trách nhiệm chỉ huy con tàu của mình, gây nguy hiểm cho tính mạng thuỷ thủ đoàn. Cơ sở của bản án là McVay đã không dùng thủ thuật lái tàu lạng lách để tránh thuỷ lôi phóng ra từ tàu ngầm Nhật Bản. Ông bị cách chức và trở thành người duy nhất bị quy trách nhiệm, trong số 700 vụ đánh chìm tàu tại Thế chiến II.
Ngày 15/8/1945, Hải quân Mỹ mới chính thức loan báo thảm họa Indianapolis, sau khi tổng thống Mỹ Truman tuyên bố Nhật Bản đầu hàng.
Năm 1968, McVay tự tử.
Đằng sau bản án
Trong thập kỷ 90, một tình tiết quan trọng được tiết lộ. Đó là, Cơ quan Tình báo Tuyệt mật của Mỹ (ULTRA) đã thâm nhập được vào hệ thống mật mã của Nhật và phát hiện ra hai tàu ngầm tại vùng biển chiến sự này. Tuy nhiên, nó đã không cảnh báo cho Indianapolis. Thay vào đó, Trung tâm Chỉ huy Hải quan vẫn ra lệnh cho Indianapolis dấn thân vào chỗ nguy hiểm, trong khi không đáp ứng yêu cầu bổ sung hoa tiêu của McVay. Chính những hành động này đã khiến Indianapolis, con tàu không có thiết bị dò tàu ngầm, mất cảnh giác và không ứng phó kịp thời trước đợt thuỷ kích của Nhật. Ngoài ra, phía Nhật Bản còn cho rằng, dù có áp dụng chiến thuật lạng lách, Indianapolis cũng không thể thoát khỏi thế trận đó một cách nguyên vẹn.
Quyết định nức lòng những người sống sót
Ngay khi tuyên bố giải tội cho thuyền trưởng McVay được đưa ra (12/7), các thuỷ thủ còn sống sót sau vụ thuỷ kích Indianapolis tỏ ra rất vui mừng. Cựu thuỷ thủ Giles McCoy nói: “Tôi sung sướng quá. Thực ra, tôi đã đấu tranh lật lại bản án này từ năm 1964. Thuyền trưởng của chúng tôi không phạm tội, chẳng qua là do sự may rủi trong chiến tranh”.
Mai Chi (theo CNN)