Hai thập kỷ đi tìm cô gái Afghanistan có ánh mắt hút hồn

vv-1348563690_480x0.jpg
Sharbat Gula khi 11 tuổi.

Cách đây 18 năm, khuôn mặt của một cô gái Afghanistan trên bìa tạp chí Địa lý Quốc gia nổi tiếng trở thành trung tâm chú ý của cộng đồng quốc tế. Đôi mắt cô xanh biếc, sắc sảo, ánh nhìn lạnh lùng mà như tha thiết, mái tóc trùm hờ hững chiếc khăn choàng màu đỏ sẫm. Steve McCurry, tác giả bức ảnh, nhận ra cô nhờ vào kỹ thuật phân tích tròng mắt hiện đại của FBI.

vv1-1348563690_480x0.jpg
Sharbat Gula bây giờ.

Sharbat Gula giờ đã có gia đình và là mẹ của 3 đứa con. Cuộc sống của cô vẫn đầy nhọc nhằn, vất vả, trong một ngôi nhà nhỏ tại một vùng hẻo lánh ở Afghanistan. Tạp chí trên dự định sẽ lại đăng hình cô một lần nữa trên trang bìa, dành cho số đặc biệt viết về nỗi thống khổ của những người dân tị nạn.
Bố mẹ của Gula đều là người Pashtun, đã bị giết trong cuộc chiến giữa dân quân Afghanistan và Liên Xô cũ. Cô phải cùng những thành viên còn lại của gia đình nương nhờ trong trại tị nạn Nasir Bagh ở Pakistan, nơi cô gặp nhà báo McCurry. Bức ảnh đã được đăng rất nhiều lần rộng rãi khắp thế giới, trên các bìa tạp chí và sách báo.
Tác giả tâm sự: “Bức chân dung đã lột tả được nỗi đau của một linh hồn thơ ngây, trong trắng khi đột nhiên bị mất gia đình, rồi phải vào trại tị nạn cách xa quê hương hàng trăm cây số”. McCurry cũng cho biết ông đã lặn lội tìm lại cô gái có đôi mắt kỳ lạ kia suốt bao năm qua. Ít nhất ông đã quay lại khu vực lần đầu tiên gặp gỡ 10 lần. Và rồi số phận đã mỉm cười khi McCurry nhận được tin tức về nguyên mẫu tác phẩm của mình, tại một ngôi làng nhỏ gần biên giới Pakistan.
Gula kể lại sau khi chụp bức ảnh trên ít lâu, cô lấy chồng và sinh được 4 người con, một đứa đã mất khi vừa mới lọt lòng. Kể từ năm 1985, cũng như bao phụ nữ Hồi giáo có gia đình khác ở Afghanistan, Gula luôn phải đeo mạng che kín mặt.
Don Halcombe, giám đốc phát hành của tờ tạp chí, cho biết khi được xem ảnh, Gula tỏ ra không thích thú lắm vì có vài lỗ thủng trên chiếc khăn trùm đầu, mà cô nhớ đã thiêu cháy nó trong lò sưởi từ lâu rồi.
Cuộc đời của Gula sẽ là chủ đề chính của tạp chí Địa lý Quốc gia, số ra tháng 4 tới. Họ cũng sẽ dựng một bộ phim tài liệu về cô để cộng đồng quốc tế được biết số phận bôn ba của một đại diện cho hàng nghìn dân tị nạn hiện nay, tại các khu vực trên thế giới.
Tú Đạt (theo BBC, The Times of India)

1gom