Bộ luật Hình sự hiện hành quy định tước quyền ứng cử, bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước là một trong những hình phạt bổ sung, nhưng chỉ được áp dụng với một số tội nhất định. Nhưng do khó khăn trong công tác tổ chức bầu cử, điều kiện cơ sở vật chất không thuận lợi nên một số nơi đã không lập hòm phiếu để những người đang phải chấp hành hình phạt tù nhưng không phải chịu thêm hình phạt bổ sung, thực hiện quyền bầu cử. Điều này cũng xảy ra với nhiều công dân Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.
Vì vậy, theo ông Trần Thế Vượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nếu quy định thêm việc lập khu vực bỏ phiếu riêng cho những người đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính (chữa bệnh bắt buộc, cải tạo trong các cơ sở giáo dục) thì cũng cần cân nhắc những điều kiện thuận lợi để tổ chức hoạt động bầu cử hội đồng nhân dân tại các trại giam, nhà tạm giam.
Liên quan đến nội dung luật này, đại biểu Hồ Thị Hồng Nhung, Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng, cho rằng cần giảm bớt tỷ lệ cơ cấu thành viên cơ quan hành chính địa phương vào HĐND. Bởi nếu hầu hết đại biểu kiêm nhiệm chức vụ ở các cơ quan nhà nước thì cơ quan quyền lực khó thực hiện tốt quyền giám sát. Bà Nhung đề nghị tăng số đại biểu chuyên trách, để họ hoạt động ở các ban của hội đồng. Đồng thời phải nhấn mạnh tiêu chuẩn đại biểu là đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ đại biểu (giám sát, quyết định những vấn đề lớn của địa phương), và đặc biệt phải có “gan” phát biểu chính kiến.
Trong thời gian hai ngày rưỡi thảo luận 2 luật về chính quyền địa phương (Luật Tổ chức HĐND & UBND, Luật Bầu cử đại biểu HĐND), nhiều ý kiến ủng hộ việc quy định rõ và tăng thẩm quyền cho thường trực hội đồng. Họ chọn phương án 2 (trong 3 phương án mà cơ quan soạn thảo đưa ra sau khi tiếp thu ý kiến Quốc hội tại kỳ họp 3). Thường trực HĐND sẽ gồm chủ tịch, phó chủ tịch, và các trưởng ban (trừ cấp xã chỉ gồm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng). Như vậy, số thành viên thường trực sẽ nhiều nhất (luật hiện hành chỉ gồm chủ tịch và phó chủ tịch), mạnh mẽ hơn để thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương – vốn lâu nay bị bỏ bễ.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết, ý kiến của đại biểu chuyên trách không phải là quyết định, bởi luật phải được bàn toàn thể tại hội trường Quốc hội. Tuy nhiên đây là những đóng góp quan trọng để cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh dự luật trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Nghĩa Nhân