“Nội các đã phải đương đầu với sự công kích và xúc phạm chưa từng có”, Meta tuyên bố trước khi từ chức. Đề phòng khả năng sẽ có xáo trộn ở một nơi mà khủng hoảng chính trị thường xuyên gắn liền bạo lực, ông đã kêu gọi Bộ Nội vụ cố gắng đảm bảo an ninh trong nước.
Cuộc tranh giành bắt đầu khi lãnh đạo Đảng Xã hội – Fatos Nano – thách thức quyền điều hành của ông Meta, bất chấp việc ông chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 6. Thủ tướng tố cáo Nano châm ngòi cho khủng hoảng. Còn Nano thì chỉ trích chính phủ tham nhũng và thiếu năng lực, yêu cầu cải tổ nội các, đồng thời đòi những người do mình chỉ định phải được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính phủ.
4 bộ trưởng gần đây đã từ chức để tìm cách xoa dịu các đối thủ của Meta, nhưng ông Nano lại cản trở khi chính phủ tìm người thay thế.
Tình hình chính trị rối ren đúng vào lúc thời tiết mùa đông ở Albania khắc nghiệt đến mức tại một số vùng, các quan chức phải thông báo tình trạng khẩn cấp. Nhiệt độ dưới 0 kéo dài nhiều tuần lễ, các nhà máy điện bị quá tải. Hầu hết người dân Albania hiện chỉ được dùng điện trong 2 giờ mỗi ngày. Quỹ tiền tệ Quốc tế gần đây đã cảnh báo rằng “tình hình điện thất thường đang tiếp tục gây ra những nguy cơ lớn” cho sự ổn định và phát triển của Albania.
Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 10/1999, Thủ tướng Meta đã giúp cho nền kinh tế Albania phát triển, đồng thời duy trì lạm phát ở mức thấp.
Ông Nano đã yêu cầu Đảng Xã hội mở một cuộc trưng cầu dân ý để giúp ông được bầu làm tổng thống, mặc dù không được Thủ tướng Meta và giới lãnh đạo đảng ủng hộ.
Minh Châu (theo AP)