Ảnh của Nguyễn Hữu Bảo. |
Câu chuyện của Nguyễn Hữu Bảo mang tên Có một Hà Nội gần như xưa. ’’Gần như’’ thôi, bởi vì với anh, một người quê Kinh Bắc nhưng cả cuộc đời đã sống ở Hà Nội thì giờ đây, thành phố này đã có những cái mà anh cảm thấy lạc lõng. Hà Nội trong những bức ảnh là sự níu kéo cho riêng anh.
Đối với Nguyễn Mạnh Cường, một Phiên chợ quê họp dưới đường bay của sân bay quốc tế Nội Bài là sự tương phản ngộ nghĩnh của hai lớp người. Cường chụp ảnh những người lam lũ, tất bật, vậy mà khiến người ta liên tưởng đến những người đang bay trên trời.
Trần Huy Hoan vẫn trung thành với chủ đề thường xuyên của anh: Phụ nữ. Nói đúng hơn là vẻ đẹp của họ, vẻ đẹp mà đôi khi Trần Huy Hoan đã làm cho trở nên trong suốt.
Một gương mặt lạ ở cuộc trò chuyện lần này là Jean Baptiste Huỳnh. Anh sống và làm việc tại Paris, chuyên chụp ảnh chân dung khổ vuông. Loạt ảnh của anh có tính kết nối, như là một luận đề về cái vòng luân chuyển của đời người, của tạo hóa.
Ảnh của Dương Minh Long. |
Dương Minh Long rất lạ với những bức chân dung chụp từ phía sau. Anh quan niệm hình ảnh hay nhất mà người chụp không thực hiện được là khuôn hình ám ảnh. Vậy mà có vẻ như Long đã tạo được sự ám ảnh ấy qua những chân-dung-phía-sau của mình.
Ảnh của Nguyễn Hữu Tuấn. |
Câu chuyện của Nguyễn Hữu Tuấn mang tên Cách Hà Nội 30 km. Cuộc sống bình dị ở một làng quê ven Hà Nội, nơi người ta có thể khám phá ra sự chậm rãi trên những gương mặt người già, hay một khoảnh khắc nghỉ ngơi ven đê…
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đi vào một làng nghề, giúp lưu giữ lại hiện tại chân thật qua những bức ảnh của ông. Như ông nói: ’’Không ai lại lưu giữ sự giả tạo và phù phiếm cho tương lai’’.
Ảnh của Bùi Quốc Trung. |
Bùi Quốc Trung tự nhận chịu ảnh hưởng của trường phái siêu thực. Một trong số những tác phẩm của anh là chân dung cũ kỹ của hai người già bên chiếc đồng hồ đang tiêu xài những giây phút bất tận. Bởi vậy, câu chuyện của anh là về những gì đã bị bỏ quên theo thời gian.
Tất cả chỉ có thế. Không có tác giả nữ. Không có logo tài trợ. Khi những bức ảnh đứng độc lập thì tự thân chúng đã có một đời sống riêng của nó. Còn khi liên kết với nhau, bức nọ đứng cạnh bức kia thì chúng sẽ đẩy nhau lên để kể một câu chuyện mà người chụp muốn kể.
(Theo Thanh Niên)