Có thể cho phép bị cáo tạm giam mặc thường phục tại toà?

Để giải quyết vướng mắc này, TAND tối cao đã đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về trang phục của bị cáo tại phiên tòa hình sự như sau: Bị cáo được tại ngoại khi ra trước phiên tòa vẫn được mặc quần áo mà họ có, nhưng phải bảo đảm tính nghiêm trang của phiên tòa. Bị cáo đang bị tạm giam phải mặc trang phục riêng thống nhất dùng cho người đang bị tạm giam. Người đang chấp hành hình phạt tù (phạm nhân) khi ra trước phiên tòa dù với tư cách gì cũng phải mặc trang phục thống nhất dùng cho phạm nhân.
Đa số ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình với đề xuất của TAND tối cao về trang phục bị cáo được tại ngoại và người đang chấp hành hình phạt tù. Riêng trường hợp bị cáo đang tạm giam thì có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Loại thứ nhất cho rằng bị cáo đang bị tạm giam phải mặc trang phục thống nhất dùng cho người đang bị tạm giam, nhưng kiểu cách, màu sắc khác với trang phục dùng cho người đang chấp hành hình phạt tù. Trang phục này được dùng trong suốt thời gian họ bị tạm giam và cả khi ra tòa.
Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội Tráng A Pao đồng tình với ý kiến này, vì theo quy định của pháp luật thì những người bị tạm giam đã bị hạn chế một số quyền tự do của công dân. Mặt khác, trang phục riêng như vậy cũng bảo đảm cho việc giám sát bị cáo tại phiên tòa theo quy định tại điều 188, Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, bị cáo bị tạm giam cần mặc đồng phục riêng.  
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng người bị tạm giam tuy có bị hạn chế về quyền tự do, nhưng vẫn chưa bị coi là có tội nên có quyền mặc quần áo mà họ có, bảo đảm tính nghiêm trang của pháp luật. Nếu bị cáo không có thì trại tạm giam cho mượn, nhưng phải là thường phục. Nếu áp dụng theo quy định này sẽ xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa bị cáo được tại ngoại và bị cáo bị tạm giam. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu bảo vệ cho ý kiến này. Bà bổ sung nếu thêm một loại quần áo cho người bị tạm giam sẽ tốn thêm một khoản ngân sách không cần thiết. “Số tiền này nên dành cho những việc quan trọng của trại giam như phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS”, bà nói.
Chốt lại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đồng tình với đa số ý kiến ủng hộ việc để bị cáo tại ngoại và bị cáo bị tạm giam khi đứng trước phiên tòa hình sự được mặc thường phục. Ông An khẳng định, cuối phiên họp thứ 24 (ngày 24/12), Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ ra nghị quyết về vấn đề này.
Cũng trong chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc giao thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định tại điều 33, Bộ luật tố tụng dân sự cho các TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Theo đó, từ ngày 1/1/2005, có 126 tòa cấp huyện được bổ sung thẩm quyền giải quyết sơ thẩm tất cả tranh chấp kinh doanh thương mại, trừ tranh chấp về vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường thủy; mua bán cổ phiếu, trái phiếu; đầu tư, tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò và khai thác.
Như Trang

1gom