Thành Chương tự hoạ. |
Từ Hà Nội, mất hơn nửa giờ xe máy về phía ngoại thành, khu trang trại của Thành Chương được đặt dưới chân Dây Diều, cạnh hồ Kẻo Cà (thuộc xã Hiền Ninh – huyện Sóc Sơn). Xây dựng khu trang trại này, hoạ sĩ muốn tìm cho mình chỗ dựa vững chắc về tinh thần, được sống và làm việc trong không gian và kiến trúc theo một lối riêng do chính bàn tay mình tạo nên. Từ cái cổng ra vào, khu giếng cổ, nhà sàn, tháp nước đến khu nhà ở với những hoạ tiết hoa văn đều được bài trí theo lối kiến trúc cổ và dị biệt.
Nhà văn Kim Lân, bố của hoạ sĩ Thành Chương, đã đặt cho khu trang trại cái tên Thành Chương biệt phủ, phản ánh một phong cách thể hiện chiều sâu đầy cá tính. Biểu hiện rõ ở cái cổng mang dáng dấp đặc trưng của làng Thổ Hà, một ngôi nhà sàn hơi hướng dấu ấn miền Tây Bắc, khu nhà ở hướng Nam với kiến trúc lăng tẩm cung đình Huế, bên cạnh các hoạ tiết Tường Vân (mây lành), tạo nên sự hài hoà của quần thể. Thành Chương cầu kỳ trong cách lựa chọn và thể hiện lối kiến trúc mang dáng dấp cổ, chỉ riêng khu giếng cổ, Thành Chương phải vào Thanh Hoá, mua về. Tháp nước cao được xây dựng theo kiểu chùa Dâu. Ngôi nhà sàn nguyên chiếc được chuyển từ Hoà Bình, chỉnh trang tạo thành nơi làm việc và trưng bày tranh vẽ.
Mặc dù khu biệt phủ vẫn còn một số hạng mục đang ở giai đoạn hoàn thiện, song từ khi bắt đầu khởi công xây dựng đến giờ, không ngày nào không có khách ra vào thăm chơi. Từ người dân cho đến cán bộ địa phương, từ khách thập phương trong Nam ngoài Bắc, có đoàn tận Vũng Tàu, Đà Lạt, TP HCM vẫn tìm đến, coi đây như một danh thắng chung chứ không hề nghĩ đó là khu trang trại của một gia đình. Với Thành Chương, anh rất vui khi thấy khu trang trại của mình được coi như trung tâm lưu giữ các giá trị tinh thần.
(Theo Hạnh Phúc Gia Đình)