Bà Hillary Clinton. |
Vài tháng nay, nhiều đảng viên Dân chủ nhận định nếu Kerry đắc cử, bà Clinton sẽ buộc phải từ bỏ kế hoạch tranh cử tổng thống năm 2008 vì Kerry khi đó, là người đương nhiệm, sẽ có vị trí vững chắc để được đề cử chạy đua nhiệm kỳ hai.
Tuy nhiên giờ đây, dù là quá sớm sau thất bại của thượng nghị sĩ bang Massachusetts, nhiều đảng viên Dân chủ cho rằng bà Clinton, thượng nghị sĩ New York, sẽ là ứng viên hàng đầu trên danh sách đề cử của đảng, vì bà rất nổi tiếng, có khả năng gây quỹ và hoạt động chính trị mạnh mẽ.
“Cựu đệ nhất phu nhân giờ trở thành điểm tập trung của đảng”, Hank Sheinkopf, cố vấn Dân chủ ở New York, nhận xét. “Hillary có được sự ủng hộ của nhiều cử tri trên toàn quốc và kỹ năng chính trị sắc sảo”.
“Toàn đảng sẽ ngắm nhìn bà”, Chris Lehane, cố vấn cao cấp trong giai đoạn đầu tranh tranh cử của Kerry, nói. “Hillary có vị trí độc tôn”.
Tuy nhiên, các quan chức đảng Dân chủ cho rằng sẽ là không khôn ngoan nếu không tính đến những ngôi sao tiềm năng, trong đó có Thống đốc New Mexico Bill Richardson, Thống đốc Iowa Tom Vilsack và cả thượng nghị sĩ John Edwards, người liên danh với John Kerry trong chiến dịch tranh cử năm nay.
Hơn nữa, các cố vấn của bà Clinton thừa nhận bà có một trở ngại lớn phải vượt qua trước khi có thể nghiêm túc dự tính ghế ứng viên tổng thống – bà phải tái tranh cử ghế thượng nghị sĩ ở New York năm 2006. Các trợ lý và những nhà chiến lược lập luận cựu đệ nhất phu nhân phải tái đắc cử với tỷ lệ phiếu cách biệt lớn, vì sẽ thật vô ích nếu bà thực hiện chiến dịch tranh cử trên toàn quốc với cơ sở hậu thuẫn không vững chắc ở trung tâm tài chính.
“Bà biết phải quan tâm đến điểm chủ chốt, mà điểm chủ chốt là năm 2006”, một cố vấn của thượng nghị sĩ Clinton cho biết. “Là người cẩn thận và tỉ mỉ, Hillary sẽ tập trung vào mục tiêu trước mắt”.
Bà Clinton đã đạt kết quả tốt trong nỗ lực tăng tỷ lệ ủng hộ của người New York trong 4 năm qua. Theo kết quả thăm dò dư luận hồi tháng 9 của ĐH Quinnipiac, 61% số người được hỏi ủng hộ thượng nghị sĩ, so với 38% vào tháng 2/2001.
Tuy nhiên, đồng thời, bà Clinton cùng các cố vấn phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: nhiều cử tri không ưa bà, dù bà có cố đến thế nào đi chăng nữa. Cứ 3 người New York được hỏi thì một cho những nhân viên thăm dò dư luận ĐH Quinnipiac biết họ không “khoái” cựu đệ nhất phu nhân. Đây là một lý do chính làm các cố vấn nghi ngờ về khả năng ứng cử tổng thống năm nay của bà Hillary.
Tỷ lệ người không ủng hộ bà Clinton cao làm nữ thượng nghị sĩ trở thành một mục tiêu hấp dẫn với đảng Cộng hoà. Phía Dân chủ tin rằng một nhân vật Cộng hoà nổi tiếng đang dự tính thách thức bà trong năm 2006 là Thống đốc George E. Pataki, người đã lôi kéo được một số cử tri Dân chủ.
Tuy nhiên, các cố vấn của bà Clinton khẳng định trong 4 năm qua, thượng nghị sĩ đã thuyết phục những cử tri chưa quyết định ủng hộ ai thành người ngưỡng mộ mình. Số người nói với nhân viên thăm dò Quinnipiac là họ chưa quyết định đã giảm: còn 7% vào tháng 9 so với 33% hồi tháng 2/2001.
Bà Clinton còn đối mặt với một trở ngại nữa nếu muốn trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Nhân vật mà đảng Dân chủ đang tìm kiếm vào thời điểm này là một vị thượng nghị sĩ ở khu vực đông bắc đi theo chủ nghĩa tự do. Tuy nhiên, kể từ khi trở thành thành viên Thượng viện, bà Clinton đã chuyển từ ôn hoà sang bảo thủ trên một loạt vấn đề, từ trợ cấp cho tới chiến tranh Iraq, làm những người ủng hộ quan điểm tự do của bà chán nản và một số đảng viên Cộng hoà hài lòng.
Đảng Dân chủ cũng nhận định vai trò của cựu đệ nhất phu nhân trên chính trường Mỹ sẽ phần lớn phụ thuộc vào những gì Tổng thống Bush làm trong 4 năm tới. Và là nhân vật Dân chủ nổi tiếng nhất trong thượng viện, bà có thể sẽ trở thành phát ngôn viên của đảng dưới chính quyền Cộng hoà.
Tuy nhiên, Thống đốc New Mexico Richardson cho rằng đảng Dân chủ nên tìm kiếm thế hệ lãnh đạo mới bên ngoài Washington trong 4 năm tới. “Trung tâm quyền lực của đảng phải được chia sẻ”, ông nói. “Không thể chỉ những hạ nghị sĩ Dân chủ, thượng nghị sĩ Dân chủ, mà phải cả các thống đốc Dân chủ đắc cử ở những bang không phải là thành trì của Dân chủ như ở phía tây và phía nam”.
Cuối cùng, phe Dân chủ cho rằng một mối nguy hiểm với bà Clinton là bà được coi là ứng viên hàng đầu vào thời điểm này, nên các đối thủ sẽ cố gắng nhấn chìm bà trong 4 năm tới. Hơn nữa, không chỉ phe Dân chủ làm vậy, mà cả các đảng viên Cộng hoà, đặc biệt là những người ở New York nữa. Giới phân tích chính trị dự đoán, trong chiến dịch tái tranh cử năm 2006, họ sẽ lập luận rằng bà đang dùng New York làm bệ phóng cho tham vọng quốc gia.
“Nếu bà tái tranh cử ở New York, thì người ta chắc chắn sẽ đặt một câu hỏi là liệu bà có hoàn thành hết nhiệm kỳ hai trong Thượng viện hay không”, một người gần gũi với nhà Clinton nhận định.
Nguyễn Hạnh (theo NYT)