Các lĩnh vực pháp luật được quan tâm nằm trong 27 đề án lớn thuộc 5 chương trình, gồm: cải cách pháp luật; cải cách tư pháp; bảo đảm hiệu lực hành pháp; phát triển hệ thống thông tin và giáo dục pháp luật; đào tạo pháp luật. Riêng chương trình cải cách pháp luật, các quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết tài trợ xây dựng, ban hành 47 luật và văn bản hướng dẫn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nhóm tài trợ trên gồm nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Pháp, Thụy Điển và các tổ chức quốc tế như UNDP, WB, IMF. Trong chương trình đàm phán với các cơ quan chức năng của Việt Nam, phái đoàn cam kết ủng hộ chiến lược phát triển pháp luật đến năm 2010 mà Chính phủ đang xây dựng. Từ nay đến 29/11, hai bên tiếp tục thảo luận về các hoạt động cụ thể và mở rộng phạm vi tài trợ.
Trước đây, Việt Nam hợp tác pháp luật với các nước trong khối XHCN. Rất nhiều cán bộ pháp lý đã được đào tạo ở nước ngoài và nay trở thành quan chức chủ chốt ở các cơ quan nội chính từ trung ương đến địa phương. Từ sau 1986 đến nay, trong quá trình mở cửa và chuyển đổi kinh tế, Việt Nam đã hợp tác phát triển pháp luật với các quốc gia theo hệ thống luật thành văn như Thụy Điển, Pháp, CHLB Đức. Những năm gần đây, các nước như CHLB Nga, Ba Lan… và Trung Quốc đã hợp tác pháp luật với Việt Nam. Theo Thứ trưởng Hà Hùng Cường, đây là những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, nên việc hợp tác học hỏi kinh nghiệm rất có lợi với Việt Nam.
Trong thời kỳ này, khoảng 30 quốc gia và tổ chức quốc tế đã có quan hệ với Việt Nam, hỗ trợ trực tiếp về tài chính, kỹ thuật trong xây dựng và triển khai hơn 50 luật, pháp lệnh. Hàng năm, họ cung cấp 25-30 suất học bổng dài hạn chuyên ngành luật ở nước ngoài. Trong các đề án đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, lập các tòa chuyên trách như tòa lao động, kinh tế, hành chính, Việt Nam đều tham khảo, so sánh với kinh nghiệm quốc tế…
Ông Cường cho VnExpress biết: “Nhờ có sự giúp đỡ của các quốc gia và tổ chức quốc tế, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp luật quan trọng phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế thị trường. Trong quá trình hội nhập tới đây, ta phải chấp nhận luật chơi chung, nên việc hợp tác quốc tế về pháp luật sẽ được đặc biệt quan tâm”.
Nghĩa Nhân