Dưới đây là cuộc trao đổi của ông Anh với báo chí.
– Thưa ông, vì lý do gì mà ông nghĩ đến đề tài này?
– Hiện tượng nhiều cô gái lấy chồng Đài Loan trong thời gian qua đã trở thành một đề tài xã hội bức xúc, các cơ quan ngôn luận đã lên tiếng. Đó là việc bất bình thường, gây nên nhiều hệ quả xấu về mặt xã hội, văn hóa, nhất là nhân phẩm người phụ nữ. Chúng tôi đặt vấn đề cần nghiên cứu hiện tượng này, có những cơ sở khoa học để giúp các cơ quan chức năng, các vị lãnh đạo có biện pháp nhằm điều chỉnh những hệ quả do việc kết hôn không bình thường gây ra.
– Nguyên nhân sâu xa dẫn đến làn sóng lấy chồng Đài Loan của các cô gái Việt Nam là gì?
– Theo tôi, đó là sự khó khăn về kinh tế, sự nghèo đói. Nhiều trường hợp lấy chồng Đài Loan của các cô gái vùng quê là sự bán mình để có tiền giải quyết kịp thời những khó khăn của gia đình như cha, mẹ ốm đau, nợ nần. Phần lớn những cuộc hôn nhân này không phải do tình yêu. Với ý nghĩa đó thì không thể nói rằng lấy chồng Đài Loan là một cuộc hôn nhân tự nguyện.
– Vai trò của gia đình trong việc này được đánh giá như thế nào?
– Ngăn chặn hiện tượng hôn nhân mua bán với người nước ngoài, chúng ta cần những giải pháp thỏa đáng, có hiệu quả, trong đó có vai trò gia đình, trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ. Cha mẹ họ hàng phải giúp con cái không nên chạy theo đồng tiền để bán cuộc đời mình, không vì khó khăn nghèo đói mà cho con đi lấy chồng Đài Loan. Gia đình là nền tảng vững chắc cho hạnh phúc và tương lai của con trẻ, đừng vì chạy theo tiền mà đẩy con cái vào bi kịch.
(Theo Gia Đình & Xã Hội)