Hai nhân vật thu hút được sự chú ý nhiều nhất là Tổng thống Albany, Rexphep Meidani, và Vojislav Kostunica, Tổng thống Cộng hoà Liên bang Nam Tư. Cả hai ông đều đề cập đến sự bất ổn trong mối quan hệ giữa người Albany và người Serb ở Kosovo và những vấn đề phát sinh của người Albany thiểu số ở một số nơi khác. Theo lời phát biểu của hai vị tổng thống, nếu có thể làm giảm tình trạng căng thẳng hiện nay thì sẽ tìm được một giải pháp lâu dài, từ những thay đổi mang tính định chế và mang tính quốc gia, hiện đang diễn ra trên khắp châu Âu, dưới ảnh hưởng của EU.
Trong khi đó, các vụ đụng độ giữa các lực lượng Nam Tư và lính du kích người Albany ở khu vực Đông Nam Serbia ngày càng trở nên dữ dội. Các nhóm du kích, mà người ta cho là có liên hệ với Quân đội Giải phóng Kosovo, đang cố gắng giành quyền kiểm soát khu vực biên giới rộng 5 km2 của Serbia, với dân chúng chủ yếu là người Albany. Tại đây, NATO cấm không cho Nam Tư triển khai các đơn vị cảnh sát và quân sự.
Các lực lượng của Mỹ và NATO đã không thể ngăn chặn được hoạt động của lực lượng du kích tại vùng biên. Quân đội Giải phóng Kosovo đã hợp tác với NATO khi diễn ra chiến dịch không kích của NATO năm 1999 và ngay cả sau đó. Đôi khi, họ còn nhận được sự ủng hộ của Chính quyền Mỹ đối với các ý đồ chính trị.
Vấn đề của Quân đội Mỹ một phần là ở chỗ học thuyết khập khiễng của họ đã đặt việc bảo vệ quân đội lên trên nhiệm vụ quân sự. Theo tờ thời báo New York Times, bộ binh và các lực lượng đặc biệt của Anh đã được điều đến khu vực này và đã thu được một số kết quả trong việc ngăn chặn các hoạt động của quân du kích.
Một trong các điều kiện cho việc kết thúc chiến dịch không kích của NATO là phải thiết lập Vùng an toàn trên lãnh thổ Serbia, sát biên giới Kosovo, nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ với quân đội Mỹ, khi họ di chuyển đến nơi đồn trú ở Kosovo. Quân du kích cố gắng khiêu khích người Serb để họ phá vỡ thoả thuận với NATO.
Theo Tổng thống Kostunica, giải pháp cho vấn đề này là phải thu hẹp khu vực an toàn hoặc xoá bỏ hẳn. Ông lập luận rằng sẽ không còn nguy cơ đối đầu giữa NATO và Nam Tư và nên cho phép quân đội Serbia quay lại để lập lại trật tự tại khu vực mà tất các quốc gia thuộc NATO công nhận là một phần chủ quyền của Serbia. Văn Bình (theo International Herald Tribune, 1/2).