BV Bạch Mai lập khoa Y học hạt nhân và Điều trị ung bướu

Giáo sư Phan Sĩ An, Trưởng khoa Y học hạt nhân và Điều trị ung bướu, cho biết, khoa mới được xây dựng nhằm khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng nơi điều trị ung thư ở Việt Nam. Gần đây, tỷ lệ mắc bệnh này ở nước ta ngày một cao, vượt quá khả năng tiếp nhận của các cơ sở y tế (mỗi năm có khoảng 100.000-150.000 ca mắc mới và 50.000-70.000 ca tử vong). Dịch vụ khám chữa bệnh của Bệnh viện K (Hà Nội) và Bệnh viện Ung bướu TP HCM – 2 nơi điều trị ung thư lớn nhất Việt Nam – chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu. Các cơ sở khác cũng luôn trong tình trạng quá tải. Do đó, Bộ Y tế đã có chỉ thị: tất cả các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh phải thành lập khoa ung bướu.
Ông An cũng cho biết, do thiếu kinh phí nên hiện nay trang thiết bị của khoa Y học hạt nhân và Điều trị ung bướu Bệnh viện Bạch Mai còn rất nghèo nàn. Các máy móc hiện có đều chỉ có chức năng chẩn đoán, như máy đo phóng xạ, máy chụp cắt lớp CT, máy ghi hình các tạng để phát hiện khối u… Do chưa có thiết bị xạ trị (kể cả loại máy được sử dụng phổ biến trên thế giới từ mấy thập kỷ nay như cobalt 60) nên hiện khoa chỉ điều trị ung thư bằng các hóa chất phóng xạ (đường tiêm hoặc uống). Để có thể áp dụng phương pháp xạ trị, sắp tới, khoa cần mua máy cobalt và đặc biệt là máy gia tốc tuyến tính (thiết bị xạ trị hiện đại nhất hiện nay, trị giá khoảng 1 triệu USD/chiếc).
Để kế hoạch này được thực hiện nhanh chóng, theo giáo sư An, bệnh viện không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước mà cần thực hiện mô hình liên doanh liên kết với các công ty, các tổ chức kinh tế. Trước mắt, khoa sẽ thực hiện dự án hợp tác với một tổ chức nước ngoài; theo đó, tổ chức này sẽ hỗ trợ 50.000 USD để mua sắm trang thiết bị.
Thanh Nhàn

Close [X]
1gom
1gom