Người gửi: Duong Van Hung, Gửi tới: Ban Biên tậpTiêu đề: Bàn về chất luợng giáo dục ở VN
Kính gửi quý ban,
Tôi hiện đang là nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Xin có một vài ý kiến về chất lượng giáo dục hiện nay ở nước ta. Nhiều người hẳn đang có câu cửa miệng là chất lượng giáo dục nước ta hiện đang xuống cấp trầm trọng hầu như ở tất cả các bậc từ giáo dục phổ thông cho đến đào tạo chuyên nghiệp như cao đẳng, đại học thậm chí cả sau đại học. Hàng năm theo con số thống kê trên, nhà nước đã phải chi tới 4 tỷ đôla cho việc giáo dục. Theo tôi, số tiền nói trên quả là không nhỏ chút nào so với khả năng kinh tế của môt nước nghèo như nước ta. Ý kiến về chất lượng thì nhiều như vậy, nhưng giải pháp thì thế nào, Không ai có một ý tưởng đúng đắn cho việc dạy và học cả!
Tôi chỉ xin mạn phép bàn về vấn đề đào tạo đại học và sau đại học vì hiện tại tôi cũng đang là một sinh viên.
Thứ nhất, trang thiết bị nghiên cứu ở các trường đại học của ta quá nghèo nàn và lạc hậu. Thiếu cả về chất lượng và số lượng. Ở các trường nghiên cứu về kỹ thuật, học đại học không phải chỉ là lên lớp học như một con vẹt lấy điểm cao, nhưng khi bắt tay vào thực tế thì chẳng làm được việc gì cả.
Thứ hai, hệ thống giáo trình quá cũ kỹ và lỗi thời. Tôi không phủ nhận rằng, kiến thức phải mang tính kế thừa, nhưng phải quan tâm đến tính đổi mới. Một quyển giáo trình viết từ những năm 70 mà bây giờ vẫn mang ra dạy cho sinh viên không hề có biên tập lại, bổ xung kiến thức mới thì hỏi làm sao mà có kiến thức tốt được. Ngoài ra, hệ thống thư viện ở phần lớn các trường đại học cũng rất nghèo nàn. Tài liệu tham khảo gồm các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng để nghiên cứu thì thiếu, thậm chí không có. Tại sao có nhiều tiền như vậy mà không mua. Việc biên soạn các giáo trình mới thì chậm trễ, kiến thức thì lạc hậu. Tôi thấy ở một số nước như Nepal, Bangladesh.. họ cũng chẳng giàu hơn ta chút nào, nhưng các trường đại học dám bỏ tiền ra mua hẳn giáo trình viết bởi các giáo sư giỏi từ các trường đại học danh tiếng đề dạy cho sinh viên của họ nhằm nâng cao kiến thức cho thế hệ sau?! Vậy mà ta lại không làm được. Học ở nước ngoài thực chất chỉ hơn thứ nhất là về tài liệu mới và đầy đủ, thứ hai là trang thiết bị nghiên cứu. Nếu các trường đại học trong nước có đủ những điều kiện đó thì nhà nước không phải bỏ quá nhiều tiền ra để cho cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài mà chưa chắc kết quả đã tốt hơn (vì tính thực tế có thể áp dụng được ngay trong sản xuất, rào cản ngôn ngữ khi học tập…)
Thứ 3 là chế độ thi cử của ta còn quá lỏng lẻo. Ở bậc đào tạo đại học thì còn đỡ hơn, chứ ở bậc sau đại học làm gì có chuyện học cao học mà “nhẹ tựa lông hồng” vừa học vừa chơi. Thi hết môn rồi nhưng chẳng thu được chút kiến thức gì cả. Vì có học đâu mà có kiến thức, giáo trình mua về mới nguyên. Lúc thi chỉ có việc giở ra chép, thầy giáo thì chấm vở sạch chữ đẹp là chính. Học đại học thì trầy trật ra để được điểm bảy, điểm tám cũng chẳng dễ chút nào, nhưng cao học thì điểm tám có thể coi là thấp nhất. Rất hiếm có vị học viên cao học nào tốt nghiệp với điểm chung bình các môn dưới 8.0, vậy thử hỏi trình độ làm sao mà khá lên được. Một luận văn viết thì kiến thức hời hợt, phần tổng quan thì toàn đi chép là chủ yếu (học ở nước ngoài đi chép của ngưòi khác bị coi là hành vi ăn cắp kiến thức và bị phạt rất nặng) thế mà khi bảo vệ toàn 9.5 và 10 chẳng có ai dưới 9.0 bao giờ ?! Lý do thật đơn giản, trước ngày bảo vệ đến nhà các thầy trong hội đồng kẹp một cái phong bì vào quyển luận văn, nói là thầy đọc giúp rồi góp ý. Uỷ viên thì phong bì nhẹ, chủ tịch hội đồng và phản biện thì phong bì dầy. Thế là đạt 9.5 hay 10 thôi. Đó là lý do tại sao lại có hiện tượng “loạn thạc sĩ và tiến sĩ trong nước” như nhiều bài trước đã đăng.
Đó là đôi điều trăn trở với nền giáo dục của nước nhà. Có thể xây dựng một nền giáo dục hiện đại hay không, tôi nghĩ phải giải quyết tận gốc của vấn đề chứ không chỉ nói suông rồi lại đề đâu vẫn hoàn đấy.
Bạn nghĩ gì về chất lượng giáo dục của VN hiện nay?