5 biến động của thị trường chứng khoán 2002

1. Sửa đổi Nghị định 48/CP
Theo kiến nghị của các công ty chứng khoán và đông đảo giới đầu tư trong và ngoài nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn tất việc sửa đổi Nghị định 48/CP về quản lý thị trường chứng khoán – “xương sống” của thị trường chứng khoán Việt Nam và dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành trong quý I/2003.
Theo nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, các hoạt động giao dịch chứng khoán tại Việt Nam sẽ được tự do hơn hẳn so với hiện nay: cho phép mua, bán chứng khoán ngoài sàn giao dịch, chấp nhận đặt lệnh “điện tử”, tăng nhanh số công ty niêm yết và giảm điều kiện được niêm yết…
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, việc sửa đổi Nghị định 48/CP sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh giao dịch chứng khoán và là đòn bẩy căn bản cho việc ban hành Luật Chứng khoán năm 2005. Tuy nhiên, theo giới đầu tư, chỉ khi Nghị định đi vào triển khai mới xác định chính xác được tác dụng trong thực tế.
2. Thêm hàng, thêm phiên, giao dịch vẫn nhỏ giọt 
Cả năm, chỉ có xấp xỉ 1.070 tỷ đồng giá trị cổ phiếu và trái phiếu được khớp lệnh, tăng 4% so với 2001. So với tốc độ tăng GDP là 7% thì sự phát triển của thị trường chứng khoán đang có xu hướng chậm hẳn lại. Kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy, tăng trưởng của giao dịch chứng khoán thường lớn hơn nhiều lần so với tăng trưởng kinh tế. 
Mặc dù chưa đạt được mục tiêu đề ra, năm 2002 đã có thêm 10 loại cổ phiếu và 22 loại trái phiếu được đưa vào niêm yết, nâng tổng số loại chứng khoán trên thị trường lên 60 (trong đó có 20 loại cổ phiếu). Tổng khối lượng cổ phiếu và trái phiếu niêm yết lần lượt là 100 triệu và 42 triệu đơn vị. 
Năm 2002 cũng ghi nhận số phiên giao dịch trong một tuần tăng từ 3 lên 5 (từ ngày 1/3). Đây được xem như bước dọn đường cho sự chuẩn hoá cách thức tổ chức thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai. 
3. CAN xuống hạng
Ngày 8/10, nhà đầu tư CAN bị sốc trước quyết định ngừng giao dịch cổ phiếu này của Uỷ ban chứng khoán Việt Nam. Nguyên nhân của vụ việc là một số nhân viên của công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long đã làm hợp đồng khống xuất khẩu hàng sang Trung Quốc và bỏ túi hàng tỷ đồng. 
Mặc dù được giao dịch trở lại sau đó 2 tuần, CAN đã từ một cổ phiếu có tính thanh khoản cao (chỉ kém REE, GMD và SAV chút đỉnh) đã trở thành mặt hàng kém hấp dẫn thể hiện qua giá liên tục rớt, lượng giao dịch nhỏ giọt. Còn khá lâu để CAN lấy lại niềm tin trong giới đầu tư. 
4. Cuộc đua giảm phí giao dịch
Các công ty chứng khoán đã đua nhau mở chiến dịch thu hút khách hàng bằng giảm phí môi giới, hiện là khoảng 0,3% giá trị giao dịch (mức quy định là 0,5%). Nhiều đơn vị đã lên tiếng phản đối hình thức cạnh tranh này vì cho rằng nó có dấu hiệu không lành mạnh theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. 
Cuối năm, Uỷ ban chứng khoán đã vào cuộc bằng quyết định thu phí các công ty chứng khoán với hy vọng lập lại sự công bằng trong thị trường môi giới chứng khoán. Tuy nhiên, giải pháp này đã ngay lập tức vấp phải sự phản kháng của các công ty và cả giới đầu tư vì hai lý do: không nên thu phí khi thị trường đang gặp khó khăn; thu phí môi giới cũng đồng nghĩa với việc móc túi nhà đầu tư. 
5. Nhà đầu tư nước ngoài “chạy lũ”
Tổng số cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hiện là 3,64 triệu đơn vị, chiếm 10% toàn thị trường. Tuy nhiên, có khác biệt so với năm 2001 là nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có xu hướng bán ra cổ phiếu do sợ thua lỗ trước bối cảnh VN-Index chưa hồi phục như trông đợi. 
Năm qua, 2,36% giao dịch toàn thị trường thuộc về người nước ngoài. Các mặt hàng được những nhà đầu tư này lựa chọn là cổ phiếu có tính thanh khoản cao hoặc tiềm năng như REE, GMD và AGF. 
Thanh Xuân 

1gom