Hợp đồng tàu chiến Đài Loan – Pháp và bê bối bị phanh phui

Một tên lửa phòng không MM38 được bắn đi từ một tàu khu trục hạng Lafayette.
Một tên lửa phòng không MM38 được bắn đi từ một tàu khu trục hạng Lafayette.

“Giới quân sự đã nói có, sao tôi có thể bảo là không? Khi đó, rất dễ xảy ra một vụ đảo chính. Vậy là tôi im lặng. Tham mưu trưởng Hau Pei-tsun đã muốn vậy, tôi cứ để cho ông ấy làm. Tôi cũng chả có ý kiến gì trong vấn đề giá cả”, ông nói với các nhà điều tra thuộc Viện Giám sát (một trong 5 viện của Đài Loan, chuyên theo dõi hoạt động của các cơ quan trung ương và địa phương).
Vụ bê bối bắt đầu cuối những năm 1980. Khi đó, các nhà hoạch định quân sự Đài Loan đang xem xét một dự án bảo vệ bờ biển, sử dụng một đội tàu khu trục nhỏ. Năm 1991, Đài Bắc đột nhiên từ bỏ ý định mua một đội tàu khu trục nhỏ của Hàn Quốc và thay vào đó là các tàu chiến đắt tiền hơn của Pháp. Những con tàu này được lắp thiết bị điện tử do Thomson-CSF, một công ty Pháp cung cấp (Thomson về sau được tư nhân hóa và đổi tên thành Thales).
Những người chỉ trích khi đó cho rằng quyết định mua tàu của Pháp bắt nguồn từ các chính trị gia ăn của đút mà ra. Đài Loan chủ trương mua tàu khu trục có trọng lượng nước rẽ không quá 2.000 tấn, nhưng tàu khu trục của Thomson-CSF có trọng lượng nước rẽ tới hơn 3.000 tấn. Hơn thế, mức giá 2,8 tỷ USD khiến nó trở thành hợp đồng đắt nhất trong lịch sử Đài Loan.
Theo hợp đồng ký ngày 1/2/1993, các tàu khu trục hạng Lafayette của Pháp sẽ được Công ty đóng tàu China Ship Building Corp (CSBC) ở Đài Loan lắp ráp. Thỏa thuận đi ngược lại chính sách không cung cấp tàu khu trục cho Đài Loan của Pháp. Nhưng đây lại là một hợp đồng rất béo bở. Pháp lúc đó đang phải đương đầu với nạn thất nghiệp tăng cao, đồng thời Paris cũng sợ để xổng mối lợi lớn này vào tay Washington.
Tháng 3/1993, Tổng trụ sở Hải quân Đài Loan bất ngờ ra lệnh cho CSBC ngừng công việc lắp ráp, khiến cho công ty này tổn thất tài chính lớn. Paris và Đài Bắc sau đó quyết định để phía Pháp lắp ráp toàn bộ cả 6 tàu khu trục. Cũng trong tháng đó, Yin Ching-feng, người đứng đầu Văn phòng Mua vũ khí của hải quân, đến gặp các quan chức Pháp, chỉ ra những sai phạm trong các tàu khu trục và yêu cầu phải có hành động khắc phục. Ngày 8/3/1993, đại diện của Thomson CSF thăm Tổng trụ sở Hải quân và trình bày về hệ thống thiết bị điện tử điều khiển hoạt động chiến đấu trên tàu khu trục.
Ngày hôm sau, Yin mất tích. Sau đó người ta thấy xác ông trôi ngoài biển khơi. Nhiều người cho rằng Yin bị giết vì ông “cả gan” chống lại nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội. Các nhân viên điều tra thuộc giới quân sự mau mắn thông báo đây là một vụ tự sát. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi độc lập theo yêu cầu của vợ Yin cho thấy đây là hành vi giết người: Đầu ông bị đập, có bằng chứng cho thấy ông đã chịu nhiều vết thương nghiêm trọng trước khi chết.
Viện Giám sát kết luận: Các nhà điều tra quân đội không chỉ không lấy dấu tay, mà còn cản trở công việc điều tra và giấu nhẹm những bằng chứng cho thấy Yin đã bị giết. Ít lâu sau đó, ngày 20/12, Andrew Wang, đại diện của Thomson CSF ở Đài Loan, trốn khỏi hòn đảo này. Cái chết của Yin vẫn không có lời giải đáp.
Ngày 24/6/1996, tàu khu trục hạng Lafayette đầu tiên được chuyển tới Đài Loan. Khả năng phòng không của nó tỏ ra rất kém cỏi. Công tác lắp đặt thêm hệ thống thiết bị điện tử chưa hoàn tất. Chính phủ Đài Loan đã trả những khoản tiền khổng lồ cho những tàu khu trục chất lượng xoàng.
Từ trước đó, Viện Giám sát bắt đầu điều tra nguyên nhân tại sao giới quân sự lại đưa ra quyết định về tàu Lafayette, mặc dù trước đó họ định mua tàu khu trục của Hàn Quốc. Trong một bản báo cáo hồi tháng 3, Viện phát hiện ra mức giá đã được thổi phồng lên thành 15 tỷ franc (2 tỷ USD), so với ban đầu là 10 tỷ franc. Trong chuyện này, các chính trị gia và lãnh đạo quân sự được bỏ túi 26,75 triệu USD tiền lại quả.
Có bằng chứng cho thấy Pháp đã phản bội lòng tin của Đài Loan và chuyển cho Trung Quốc thông tin tuyệt mật về vụ bán tàu khu trục đầu những năm 1990. Căn cứ vào các tài liệu chính thức do Chính phủ Pháp cung cấp, có thể thấy rằng thủ tướng khi đó, Edith Cresson, đã yêu cầu ngoại trưởng của bà là Roland Dumas thông báo cho Bắc Kinh tất cả các chi tiết liên quan đến tiến trình giao dịch. Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Francois Mitterand. 
Câu chuyện từ phía Pháp cũng rắc rối không kém. Năm 1997, các thẩm phán Paris phát hiện bằng chứng ăn hồi lộ liên quan đến việc bán tàu khu trục. Nhân chứng chủ chốt là một phụ nữ người Pháp có tên Christine Deviers Joncour. Cô ta khai đã được trả vài triệu USD để thuyết phục người tình của mình, cựu ngoại trưởng Dumas, ngừng phản đối việc bán tàu cho Đài Bắc. Ông Dumas trước đó lo ngại chuyện này có thể làm hỏng quan hệ của Paris với Bắc Kinh. Vị ngoại trưởng trúng mỹ nhân kế, nhưng khẳng định mình không nhận tiền đút lót. Năm ngoái, Dumas bị kết án vì ăn tiền bất chính của Deviers-Joncour, và cả hai người hiện đều kháng án.
Vào thời điểm xảy ra vụ bán tàu khu trục, Deviers-Joncour là người vận động hành lang của Elf-Acquittance, một công ty dầu quốc doanh. Elf cũng đã được tư nhân hóa và giờ là một bộ phận của TotalFinaElf.
Viện Giám sát Đài Loan đã yêu cầu đưa một loạt quan chức cấp cao, bao gồm một cựu thủ tướng, cựu phó tham mưu trưởng và cựu tổng tư lệnh, ra tòa án binh. Cho đến nay, 28 người ở Đài Loan, bao gồm 13 sĩ quan quân sự và 15 người môi giới, đã phải vào tù vì tội ăn hối lộ, tiết lộ bí mật quân sự, nhưng chưa ai bị cáo buộc vì cái chết của Yin.
Hồi tháng 7 năm ngoái, 6 cựu sĩ quan hải quân Đài Loan đã bị truy tố vì có hành vi sai trái và làm giả giấy tờ liên đến vụ bê bối. Cả 6 người đều khẳng định mình vô tội.
Minh Châu (theo Asia Times)  
 

Close [X]
1gom
1gom