Giáo sư trần Văn Bé, Giám đốc bệnh viện, cho biết, đây là ca ghép tế bào gốc máu ngoại vi đầu tiên ở Việt Nam. Phương pháp điều trị ung thư máu này có nhiều ưu điểm so với ghép tủy xương. Nếu ghép tủy, tạng hiến chỉ bảo quản được tối đa 92 giờ (ở nhiệt độ 4 độ C) nên ca mổ phải được thực hiện ngay. Còn với phương pháp mới, các tế bào gốc máu ngoại vi có thể lưu trữ đến 10 năm (ở nhiệt độ -196 độ C), bác sĩ và bệnh nhân có thể chủ động về thời gian ghép. Phương pháp này cũng giúp hạn chế các tai biến, người hiến mẫu ghép đỡ đau đớn hơn so với trường hợp ghép tủy.
Giáo sư Bé cũng cho biết, sau hơn 1 năm hoạt động, hệ thống lưu trữ máu cuống rốn (nguyên liệu ghép điều trị ung thư máu) đã lưu trữ được hơn 600 mẫu. Trong đó, có 450 mẫu ở trong tình trạng hoàn hảo, có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Tại bệnh viện hiện có 2 cháu bé bị ung thư máu cần ghép máu cuống rốn; các bác sĩ cũng đã tìm được mẫu ghép tương thích. Tuy nhiên, ca mổ vẫn chưa được thực hiện do gia đình bệnh nhân quá nghèo, không thể trang trải nổi các chi phí. Hai cháu bé này đang rất cần sự hỗ trợ từ phía bảo hiểm y tế và các nhà hảo tâm.
(Theo Tuổi Trẻ, Lao Động)