Lương Châu từ – khúc bi ca thời chiến

Lê Quang Đức – 
Nhưng Thái Liên khúc có âm hưởng vui tươi, ca ngợi cuộc sống, còn Lương Châu từ lại là nỗi cực khổ của người lính nơi biên ải.
Người Việt Nam say mê cổ thi Trung Hoa không mấy ai không biết đến bài thơ tứ tuyệt kỳ diệu Lương Châu từ, dù có thể Vương Hàn là ai họ không hề biết. Bởi bài thơ “biên tái” này ít nhiều đụng đến một vấn đề muôn thuở của người Việt: con người giữa thời chiến tranh. Trong chén rượu “ly bôi” giữa phút ngập ngừng ở những cuộc tiễn đưa diễn ra đều kỳ và quá nhiều, chúng ta có cảm thức của Lương Chân từ, một cảm thức rành rẽ về nỗi đau khó nói được che giấu đi nhưng vẫn mặc khái những điều thành thật của tâm hồn con người và thời đại.
Như bất cứ một bài thơ tứ tuyệt thông thường, Lương Châu từ có thể chia thành hai phần rõ rệt. Hai câu đầu dùng để tả thực, kể sự:
   Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi  Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi   (Bồ đào rượu ngát chén lưu ly   Toan nhắp tỳ bà đã giục đi)
Còn hai câu sau là tình cảm, là ý tưởng, là thái độ của con người về một hiện thực rộng lớn hơn, khái quát hơn:
  Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu   Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?   (Say khướt sa trường anh chớ mỉa   Xưa nay chinh chiến mấy ai về?)
Thơ tứ tuyệt đời Đường thiên về những vấn đề lớn của nhân loại hơn là lịch sử một cá nhân. Nhân vật trữ tình vì thế tự giải phóng mình ra khỏi chiều thời gian tuyến tính, xóa nhòa thời gian và những ràng buộc vụn vặt để kiểm nghiệm, suy tư. Thế nhưng vì giới hạn âm tiết, nhà thơ luôn chọn những thời khắc nhạy cảm, dồn nén nhiều tâm trạng nhất. Ở Lương Châu từ cũng vậy, đấng nam nhi được đặt trong tình thế “lưỡng nan”: một bên là “bồ đào mỹ tửu”; một bên là “dục ẩm tỳ bà mã thượng“. Hai câu thơ đầy chất ước lệ. Nhưng đấy lại là một ước lệ sáng giá vì nó làm hiện rõ chân dung nhân vật. Không chỉ vậy, nó tạo dựng được một kịch tính, một kịch tính không chỉ của một con người mà của cả một thời đại. Giữa hai khoảng rộng của câu thơ là một trường liên tưởng lớn về con người và thời đại: một bên là những gì mời gọi, hưởng lạc, một bên là tiếng réo gọi ra sa trường. Toàn bộ thảm kịch của đời chất chứa trong sự bâng khuâng lựa chọn và cố gắng có ý nghĩa ấy của nhân vật. “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” là cuộc sống phồn hoa nơi Trường An kinh đô mua cười nghìn trận của bề trên. Còn bên lưng ngựa, tiếng tì bà réo gào với kẻ bề dưới chỉ biết tuân mệnh cứ giục đi. Đi đâu, câu thơ bỏ ngỏ, mai phục… Đi để làm gì, câu thơ không nói,… chỉ biết thứ tiếng “tỳ bà mã thượng” ấy thật kinh khiếp, nó là vang âm của một sự hãi hùng vô ảnh, dư sức đẩy một thân phận ra đi, dư sức dập tắt một khao khát trần thế hưởng lạc nhanh chóng.
Lương Châu từ có cái hay đạt đến độ “kinh nhân” trong ngữ pháp riêng biệt của nó. Câu đầu là một thế giới tĩnh: bồ đào mỹ tửu, dạ quang bôi. Nó chỉ có sự vật, nó chỉ có danh từ. Đấy là thế ổn định của một cuộc sống song song đẹp, một cuộc sống đáng sống. Nhưng câu hai lại là một sự náo loạn của cảnh “Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt – Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây”. Câu thơ dùng tới ba động từ và một trợ động từ: dục ẩm, thượng, thôi, đó là sự gấp gáp liên tiếp, là sự phá hủy đến tận cùng hy vọng sống, là sự dồn đẩy của chiến tranh đối với con người.
Từ thế đối lập của các hình ảnh thơ ấy, ta biết rằng không ai có thể trách cứ sự túy ngọa say khướt ở con người ấy. Đấy chỉ là sự “sinh động con người” của một thân phận bị lưu đày trên mặt đất giữa thời chiến tranh.
  Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu  Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi?
Cái kỳ diệu ở cách tả tình ở hai câu thơ sau là sự xóa nhòa được ranh giới giữa người sáng tác và người đọc. Nhân vật trữ tình bỗng ở bên chúng ta, thậm chí ở trong chúng ta. Nó vừa như chạm ly, vừa như chạm tình. “Quân mạc tiếu”, anh đừng cười nhé, nhẹ nhàng mà thâm thúy biết bao, ân tình và con người biết bao! Câu thơ dường như nối được vòng tay những con người lại với nhau, một vòng tay nhân bản, dù những vòng tay ấy không chống đối được thế mệnh. Câu thơ cuối cùng buông nhẹ một chân lý, một chân lý đã cũ như mấy ngàn năm chiến tranh quen thuộc. Nhưng vì chân lý ấy, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi thể hiện đầy sự phi lý nên câu thơ đặt trong hình thức câu hỏi như một vấn nạn thời đại. Hơn nữa, đó cũng là một vấn nạn của nhân loại mà thơ tứ tuyệt đời Đường dù chỉ bé bằng bàn tay nhưng chứa đầy thế giới đã vẫn phổ quát được.
Rõ ràng, nhờ sự xóa nhòa “ma mãnh” đầy nghệ thuật ấy, hiện thực vẫn được hiện diện và phô bày phần bản chất của nó. Lương Châu từ vì thế là khúc hát nhân bản về nỗi đau khó tả của con người giữa lòng chiến tranh. Và nhờ thế ta cũng hiểu được vì sao Lương Châu từ  trở thành bài thơ nằm lòng của người Việt Nam mấy trăm năm qua…
———————* Ghi chú: Bạn đọc có thể tham khảo thêm: Trương Thái Du, Ngày xuân, đọc lại Lương Châu từ… – eVăn

Close [X]
1gom
1gom