Palestine để tang Arafat 40 ngày

Một nhân viên an ninh Palestine bắn chỉ thiên tại trại tị nạn Khan Younis để tưởng niệm nhà lãnh đạo vừa qua đời.
Một nhân viên an ninh Palestine bắn chỉ thiên tại trại tị nạn Khan Younis để tưởng niệm nhà lãnh đạo vừa qua đời.

Trong khi đó, những người Palestine ở quê hương và nước ngoài khóc thương nhà lãnh đạo, biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập. Hàng nghìn người đổ ra đường phố, khóc lóc, cầm theo ảnh Arafat. Họ vẫy cờ và đốt lốp để tưởng niệm vị cha tinh thần của dân tộc.
Khói đen bốc lên từ những lốp xe bị đốt trên toàn Dải Gaza. Các tay súng bắn chỉ thiên. Trụ sở của ông Arafat ở Ramallah treo cờ rủ. Đài phát thanh phát các bản nhạc buồn. Tiếng chuông nhà thờ ở thành phố có một phần cư dân theo Thiên Chúa giáo vang lên. Một số đoạn kinh Koran được đọc trên loa phóng thanh trong vài giờ. Các trường học, cửa hàng, văn phòng đều đóng cửa.
Nội các Palestine tuyên bố để tang ông Arafat trong 40 ngày. Lữ đoàn Tử vì đạo Al Aqsa ở Gaza đổi tên thành Lữ đoàn Tử vì đạo Yasser Arafat.
Người tị nạn Palestine ở những nước láng giềng tuần hành với khẩu hiệu “Israel phải chết” và “Chúng tôi sẽ trở lại Palestine”. Một số đốt cờ Mỹ và Israel. Cộng đồng người tị nạn coi Arafat là biểu tượng cho giấc mơ trở về nhà họ ở lãnh thổ Do Thái. “Tôi cảm thấy mình mất đi một người cha, một người bạn tốt”, Mohammed Sbeiha, 55 tuổi, đang sinh sống ở Jordan, cho biết.
“Arafat là nhà lãnh đạo của chúng tôi”, một người khác nói. “Tất cả chúng tôi đều buồn. Ông là một chiến binh. Thánh Allah hãy ban phước cho ông, và chúng tôi hy vọng, với sự giúp đỡ của Allah, chúng tôi sẽ chiến thắng”.
Mặc dù Tel Aviv đã phong toả Bờ Tây và Dải Gaza, tăng cường an ninh tại các khu định cư Do Thái, nhưng đôi khi các cuộc tuần hành khóc thương biến thành bạo lực. Người Palestine ném đá vào các ôtô Israel. Binh lính Do Thái đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su.
Người Palestine trên toàn Bờ Tây được phép tới tham dự lễ mai táng, nhưng chỉ một nhóm quan chức ỏ Gaza được có mặt. Lực lượng an ninh Palestine sẽ chịu trách nhiệm về an ninh bên trong Ramallah, nhưng binh lính Israel sẽ triển khai quanh thành phố.
Trong khi tang lễ Arafat đang được chuẩn bị, một số nhà lãnh đạo coi đây là cơ hội để thúc đẩy tiến trình hoà bình. Thủ tướng Israel Ariel Sharon cho rằng Arafat ra đi có thể là “một bước ngoặt lịch sử với Trung Đông:”. Tổng thống Mỹ Bush thì gọi đây là “thời khắc quan trọng trong lịch sử Palestine”.
Tuy nhiên, trên thực tế, cả Sharon và tân chủ tịch PLO Abbas đều phải đối mặt với sức ép từ phe cứng rắn. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là ai sẽ đi bước đầu tiên trong thời hậu Arafat. Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Silvan Shalom cho rằng ban lãnh đạo mới của Palestine “phải tự chứng tỏ” trước khi tiến trình hoà bình được thúc đẩy.
Nguyễn Hạnh (theo AP, BBC) 

Close [X]
1gom
1gom