Quan “làm tiền” dân – mặt trái của chính sách quản lý xây dựng

Theo các đơn thư, nạn nhân thường là người có nhà xây trên đất thổ cư cho người nước ngoài thuê và để có chỗ ở cho bản thân, họ dựng tạm những ngôi lều, căn nhà cấp bốn trên các thửa đất nông nghiệp. Họ thừa nhận việc này là sai, cũng vì vậy, nơi “cư trú bất hợp pháp” của họ luôn bị “ông” quy tắc xây dựng dòm ngó. Các “ông” tuyên bố: “Chúng ông thích phá nhà nào thì phá, để nhà nào thì để…”. Cứ thế, “khôn sống, dại chết”, ai không “biết điều” sẽ bị cưỡng chế giải tỏa ngay.
Hành vi cửa quyền của các “ông” lan sang cả việc làm nhà trên đất thổ cư, dù có hay không có giấy phép. Một đơn tố cáo ghi: “Để được yên ổn, nhiều nhà đã phải cống nộp cho các nhân viên này. Việc hối lộ đó chúng tôi xin khẳng định là đều bị họ ép buộc… Không biết họ có quyền thế đến đâu mà lộng hành áp bức nhân dân, tự cho mình quyền sinh, quyền sát với dân trong một thời gian dài với hàng trăm trường hợp như thế…”.
“Cứ nghe đến đội quy tắc là ai cũng hãi…?”
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND, quận Tây Hồ, thừa nhận: “Đây là lực lượng có chất lượng kém nhất trong đội ngũ cán bộ hành chính. Việc tuyển dụng cán bộ nhân viên cho lực lượng này vẫn còn hết sức tuỳ tiện, không hề dựa theo tiêu chuẩn nào. Nhiệm vụ giao cho họ thì rất quan trọng nhưng chất lượng và hiệu quả công việc thì lại rất kém, thích thì làm, không thích thì bỏ. Chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của dân về hiện tượng tiêu cực của đội này”. “UBND quận đã lần nào xử lý nhân viên của đội về các hành vi vi phạm?”. Ông Dương: “Cơ quan điều tra cũng tiến hành làm, nhưng đều không đủ cơ sở, nên chúng tôi cũng chưa xử lý được trường hợp nào. Do tính chất công việc, các nhân viên trong Đội thường xuyên tiếp xúc với dân, đụng đến quyền lợi trực tiếp của người dân. Có thực tế là hiện nay, 3/4 đất của quận Tây Hồ nằm trong khu vực cấm xây dựng, quy hoạch chi tiết thì chưa có nhưng do nhu cầu nên dân vẫn cứ xây. Do đó đang xây dở mà nghe nói có đội quy tắc đến thì ai cũng hãi… Tâm lý của dân là muốn được việc nên chấp nhận đưa tiền, nộp phạt để được cho qua. Chúng tôi khó có thể kiểm soát hết…”.
Theo pháp luật hiện hành, đất nông nghiệp không được phép xây nhà để ở, song nhiều ngôi nhà vẫn mặc nhiên tồn tại. Phải chăng ở đây còn có một thứ “lệ biết điều” khác đứng ngoài pháp luật? Ông Nguyễn Thế Vinh, Đội phó Đội Quản lý trật tự xây dựng quận né tránh: “Chúng tôi chỉ có quyền kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, còn UBND phường có thực hiện việc xử lý hay không thì cũng còn… tuỳ”. Bằng cách quản lý như vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, gần 230 trường hợp xây dựng không phép trên đất thổ cư đã xảy ra ở quận này, cùng với 61 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, 8 trên đất lấn chiếm, 25 trên hành lang bảo vệ đê.
Theo quy định của UBND TP, đội quản lý trật tự xây dựng, tuy không trực tiếp ra quyết định xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, nhưng lại là người tham mưu, đề xuất hướng xử lý với UBND phường, xã, nên họ thực sự nắm trong tay thứ quyền “hữu thực vô danh” – thứ quyền mà dân gọi là “quyền sinh, quyền sát”. Với quyền lực như vậy, cùng với sự bất cập trong chính sách quản lý xây dựng đô thị, cái vòng luẩn quẩn giữa xây rồi “làm luật” để cho tồn tại cứ thế quay tít. Đây chính là mặt trái của chính sách quản lý xây dựng mà cơ quan chức năng cần tháo gỡ.
(Theo Lao Động, 25/5)
Theo dòng sự kiện:
Khởi tố vụ án thanh tra xây dựng ăn hối lộ (17/05)
Nhân viên Đội Quản lý xây dựng Tây Hồ ăn hối lộ (16/05)

Close [X]
1gom
1gom