Lang ben là một bệnh ngoài da phổ biến ở vùng nhiệt đới nóng ẩm; gặp chủ yếu ở người trẻ. Điều kiện thuận lợi để phát bệnh là làn da nóng ẩm do khí hậu, hoạt động thể lực, mặc quần áo bít kín, tiết nhiều mồ hôi nhờn. Bệnh Cushing (một loại bệnh nội tiết), sự suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng cũng là những yếu tố làm bệnh dễ phát sinh.
Tổn thương da thường là các dát giảm sắc tố (trắng hơn da bình thường), đôi khi là các dát tăng sắc tố (sậm hơn da bình thường) hoặc dát hồng ban (vết hồng đỏ). Bề mặt các thương tổn có vảy mịn như phấn. Nếu dùng bìa cứng hoặc dao cùn cạo thì vảy mịn tróc ra rõ hơn (dấu hiệu vỏ bào).Dát hình tròn hay hình bầu dục, kích thước từ nhỏ li ti đến vài centimét, có thể kết hợp lại thành những đám lớn hơn có viền ngoằn ngoèo như bản đồ. Vị trí thương tổn thường là những vùng da bị che kín, tiết nhiều mồ hôi nhờn như giữa lưng, giữa ngực, mạn sườn, bụng, mặt trong cánh tay, đùi, vùng mặt (trước tai, hàm dưới).Lang ben thường chỉ gây cảm giác châm chích khi nóng nực, ngứa ít hoặc không ngứa. Do đó, người bệnh ít khi chữa trị sớm, nhất là khi tổn thương ở vùng da khó nhìn thấy (vùng lưng). Nếu không ngứa, thương tổn chỉ gây mất thẩm mỹ nên bệnh nhân thường không chữa sớm mà để cho lang ben lan rộng, trở nên khó trị và có thể là nguồn lây cho người khác. Bệnh rất hay tái phát, nhất là khi không biết cách phòng ngừa và điều trị đúng.Nhiều bệnh cũng có thương tổn tương tự như lang ben. Do đó, bệnh nhân cần đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác. Thường bác sĩ chỉ cần khám lâm sàng là đủ. Một số trường hợp phải làm thêm xét nghiệm tìm vi nấm.
Để phòng và trị lang ben, loại bỏ điều kiện thuận lợi cho vi nấm gây bệnh là vấn đề quan trọng nhất. Nên mặc đồ thoáng, nhất là vào mùa nóng; tắm rửa, thay đồ hằng ngày. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn lau, quần áo… Quần áo phải phơi nắng cho khô. Trong lúc đang bị bệnh cần là trước khi mặc.
Khi bệnh mới phát, tổn thương ít thì chỉ cần dùng thuốc bôi da dạng nước (ASA, Antimycose, BSI), dạng kem (các azole) hay xịt. ủ. Nên bôi cả vùng da xung quanh tổn thương, bôi 1-2 lần/ngày trong 1-3 tuần. Khi tổn thương lành thì tiếp tục bôi thuốc thêm một thời gian nữa (khoảng 1 tuần) để tránh tái phát.
Thuốc dùng toàn thân gồm Ketoconazole, Itraconazole…, dùng trong trường hợp tổn thương lan rộng ở nhiều vị trí. Đôi khi cần dùng phối hợp cả thuốc bôi ngoài da và thuốc uống. Lưu ý: Thuốc dùng tại chỗ có thể gây kích thích da (ngứa, rát, nổi mẩn…), mức độ nhiều hay ít tùy thuộc vào từng loại và từng bệnh nhân. Thuốc uống có thể gây rối loạn tiêu hóa, dị ứng; gây độc gan, độc thận, tương tác với thuốc khác… Không nên dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú…
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)