Abu Bakar Bashir. |
Tổ chức Jemaah Islamiyah bị cáo buộc có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Nhiều quốc gia cho rằng nhóm Hồi giáo này là nghi phạm đứng đằng sau vụ đánh bom trên đảo Bali, trong đó hơn 180 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, ông Bashir không thừa nhận có quan hệ với Al-Qaeda. Ông cũng phủ nhận việc mình là thủ lĩnh Jemaah Islamiyah vì tổ chức này không có thật.
Có tin một sĩ quan cảnh sát cho biết nhà chức trách muốn thẩm vấn giáo sĩ này về quan hệ với các lời khai của Omar al-Faruk, một thành viên Al-Qaeda người Kuwait đã bị bắt ở Indonesia, chứ không phải vụ Bali. Luật sư của ông Bashir cho biết thân chủ đã chấp nhận tham gia thẩm vấn hôm 12/10.
Theo các hãng thông tấn Mỹ, Faruk đã thừa nhận trù tính một loạt vụ đánh bom nhằm vào các đại sứ quán Mỹ tại Đông Nam Á trùng với thời điểm kỷ niệm một năm sự kiện tấn công khủng bố 11/9.
Sớm ngày 17/10, chính phủ Indonesia ra tuyên bố sẽ ban hành nghị định khẩn cấp, cho lực lượng an ninh thêm quyền trong việc giải quyết nguy cơ khủng bố ở nước mình. Theo đó, cảnh sát có quyền yêu cầu bắt giữ nghi phạm chỉ dựa trên thông tin tình báo.
Bộ trưởng Tư pháp Indonesia cho biết chính phủ sẽ thiết lập một đơn vị chống khủng bố đặc biệt, gồm các quan chức từ các bộ Quốc phòng, Tư pháp, Chính trị và An ninh, quân đội và cảnh sát. Thành viên nội các cũng như Quốc hội khẳng định chính phủ sẽ không lạm dụng những quyền mới nhằm đàn áp những nhân vật đối lập. Tự do ngôn luận cũng không bị hạn chế.
Tại lễ tưởng niệm các nạn nhân trên đảo Bali, Thủ tướng Australia John Howard tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ Bali ra trước công lý. Chính quyền Canberra hối thúc công dân rời khỏi Indonesia do “những mối đe doạ nhiễu loạn mới”. Tiếp đó, London cũng có khuyến cáo tương tự.
Nguyễn Hạnh (theo BBC)