Welch, Patricia –
Người ta nói về thành công của nước Nhật bằng những ngôn từ hầu như không tưởng (mặc dù đôi khi người ta cũng nói về Nhật như một mối đe dọa về kinh tế không thể xem thường). Thậm chí, một số khía cạnh tiêu cực của xã hội Nhật được thêu dệt thành tích cực cả ở trong lẫn ngoài nước Nhật. Và tại Nhật, nhiều người ra vẻ tuyệt đối tự tin trước viễn cảnh tương lai. Tuy nhiên, dường như cái sự hiên ngang của họ che giấu một tâm trạng lưỡng phân [nửa mừng nửa lo] trước chiều hướng của xã hội.
Cho đến khi đó, Haruki Murakami đã viết văn được khoảng mười năm. Tiểu thuyết đầu tay của ông, Hãy nghe gió hát (tạm dịch từ Kaze no uta o kike, 1979, bản tiếng Anh Hear the Wind Sing, 1987) đoạt giải thưởng uy tín Gunzō dành cho các nhà văn mới nổi; tác phẩm chinh phục trái tim độc giả với các nhân vật nhiều mưu mẹo Chuột và J, ngôn ngữ sinh động và bức chân dung vừa ngọt ngào vừa cay đắng về sự suy tàn của phong trào sinh viên cấp tiến sau năm 1969. Các tác phẩm tiếp sau, như Cuộc săn cừu (tạm dịch từ Hitsuji o meguru bōken, 1982, bản tiếng Anh A Wild Sheep Chase, 1989) và Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới (tạm dịch từ Sekai no owari to hādoboirudo wandārando, 1985, bản tiếng Anh Hard-boiled Wonderland and the End of the World, 1991) cũng được dư luận chú ý, mặc dù bị nhiều nhà phê bình thủ cựu bài bác, cho là dở hơi, tẻ nhạt hay thiếu sức nặng chính trị. Dẫu vậy, người đọc vẫn tìm thấy một cái gì gần gũi với mình trong văn của Murakami, và danh tiếng của ông nhanh chóng nổi như cồn. Tác phẩm của ông dường như nắm bắt được cảm giác vỡ mộng, chia cắt và hoang mang nằm bên cạnh một bề ngoài tĩnh lặng ngay cả trong những giờ phút thanh bình. Trong những tác phẩm gần đây, Murakami xem ra không còn hài lòng với việc chỉ đơn thuần nắm bắt những cảm thức đó; mà ông cố gắng khảo sát nguồn cơn của những cảm thức đó và đòi hỏi những nhân vật vốn xưa nay có phần tiêu cực của mình phải dấn thân hơn.
Các nhân vật của Murakami có vẻ hài lòng (với cuộc sống và với bản thân mình, ND), mặc dù họ được miêu tả một cách châm biếm. Họ đi xe hàng ngày bằng vé tháng để đi làm, uống whisky và bia, nghe nhạc Mỹ. Là những sinh linh cô độc, họ khép mình trước thế giới, tự dựng lên những hàng rào tâm lý, tự buộc mình cách ly với cộng đồng. Nhìn bên ngoài, cuộc sống của họ chẳng có gì không ổn, nhưng vẫn thiếu một cái gì đó. Nhiều người cố lấp đầy nỗi khát vọng mà họ chỉ cảm thấy một cách mơ hồ bằng những hành vi lặp đi lặp lại hàng ngày và việc mua sắm không cần động não, không nhận ra rằng cái mà họ tin là “bản nguyên” (identity) của mình nói chung chỉ là một phó sản phẩm của một hệ tư tưởng ủng hộ quyền lợi của nhà nước và chủ nghĩa tư bản. Thế rồi một điều gì đó mãnh liệt xảy ra làm xáo trộn sự tự mãn của họ, dấy lên trong họ một cuộc kiếm tìm nội tại, trong đó họ lặn xuống những giếng sâu của ký ức cá nhân và ký ức văn hóa, để tìm ý nghĩa (của cuộc đời mình, của hiện hữu… – ND). Chẳng hạn, người kể chuyện trong truyện ngắn Con voi biến mất (Zō no shōmetsu, bản tiếng Anh The Elephant Vanishes) làm nghề tiếp thị đồ dùng nhà bếp. Sau khi con voi trong thành phố của anh biến mất một cách bí hiểm, anh liền làm một cuốn sổ để lưu lại tất cả các bài báo và thông tin về sự kiện này. Mối quan tâm của anh nảy sinh từ khi anh nhận ra mối quan hệ khắng khít giữa con voi và người nuôi nó, một kiểu gắn bó mà anh – một bộ phận có thể bị thay thế bất cứ lúc nào trong cỗ máy tư bản chủ nghĩa – không có được. Nỗi bất an nằm sâu trong tâm khảm các nhân vật đó cho thấy xã hội Nhật Bản có tác dụng làm mê muội đến thế nào đối với cá nhân, nó nói lên rằng, nếu dẹp các thành công kinh tế sang một bên thì nước Nhật thời hậu chiến không hề là một chốn thiên đàng không tưởng. Việc Murakami được công chúng đón nhận nồng nhiệt cho thấy rằng độc giả đồng ý với ông.
Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới được xuất bản đúng giữa lúc cao trào bùng nổ kinh tế của Nhật Bản. Cuốn tiểu thuyết phức tạp này trình bày một suy nghiệm đa chiều về khả năng của tâm trí con người trong việc tạo hình và phản ánh “thực tại”. Cuốn tiểu thuyết được xây dựng bằng các chương xen kẽ nằm ở hai bối cảnh khác nhau, được kể bằng hai người kể chuyện xưng “tôi” 1. Bối cảnh của chuyện – lòng đất Tokyo và một thành phố tĩnh lặng, quây kín trong một bức tường – thoạt có vẻ hoàn toàn tách biệt nhau, nhưng thực ra là biểu hiện của thế giới bên ngoài và thế giới ở trong tâm trí, và qua hai dòng tự sự xen kẽ nhau, soi chiếu vào nhau nhưng không bao giờ hoàn toàn hợp nhất với nhau, ta thấy nhân vật của Xứ sở kỳ diệu (tức câu chuyện xảy ra dưới lòng đất Tokyo, ND) không bao giờ có thể hoàn toàn hiểu được tâm thức nội tại của mình. Tuy nhiên, thông qua bức thảm tự sự này, Murakami đã khéo léo khai phá những mối liên kết giữa hai thế giới. Còn hơn thế, bằng cách vạch rõ rằng sự lĩnh hội của một cá nhân về thế giới – thực ra là cái bản nguyên của cá nhân – là không thể tách rời khỏi cái ý thức hệ đang thống trị xã hội, Murakami cho thấy, cõi không tưởng của người này có thể là cơn ác mộng phi không tưởng (dystopian nightmare) 2 của người kia.
Ta hãy xét trường hợp của Boku, người kể chuyện trong Nơi tận cùng thế giới (tức câu chuyện xảy ra trong cái thành phố lạ quây kín giữa một bức tường vĩ đại, ND). Để vào thành phố, anh đã phải từ bỏ tên tuổi và cái bóng của mình, từ bỏ trái tim, khối óc và ký ức mình, cụ thể là từ bỏ tất cả những trải nghiệm cá nhân và văn hóa mà nhờ nó mỗi người mới là một cá nhân riêng biệt. Cũng như những người khác, sau khi từ bỏ tất cả những thứ đó, anh ta được giao việc. Mỗi cư dân ở đây đều có một chức năng riêng, nhưng không ai có một bản sắc cá nhân. Cư dân thành phố không biết tới khổ đau hay lo lắng. Chốn thiên đàng không tưởng ư? Có thể. Tuy nhiên, đó là một thế giới không cuộc sống, không tình yêu, không ý nghĩa. Boku, kẻ không thể hoàn toàn hòa mình vào nhịp điệu của thành phố (nhưng không thể nói ra sự bất an của mình), được cái bóng của anh yêu cầu vẽ bản đồ thành phố để tìm đường thoát cho cả hai – chính người kể chuyện và cái bóng của anh. Trong khi đó, người kể chuyện của Xứ sở kỳ diệu cũng kiên trì tìm cách bảo toàn diện mạo (hay bản nguyên) của mình. Nhưng rồi anh biết điều đó là không thể, khi đã quá muộn. Cách đó nhiều năm, trước khi anh trở thành một Calcutec (một chuyên viên xử lý dữ liệu thuộc hàng “siêu như máy”, lại còn hơn máy ở chỗ hacker không thể xâm nhập được), một nhà khoa học đã tiến hành chỉnh sửa não bộ anh, làm anh có thể “chuyển mạch” dễ dàng giữa hai hệ ý thức khác nhau, mỗi hệ được biểu hiện thành một thực tại khác. Cái thành phố có bức tường vĩ đại bao quanh chính là lớp ý thức sâu nhất của Watashi, được “hiển thị và hiệu chỉnh” bởi nhà khoa học kia, kẻ theo đuổi khoa học thuần túy và vô tình gây ra hậu quả tiêu cực cho các đối tượng nghiên cứu của mình. Watashi nhanh chóng biết được rằng cái chuyển mạch ý thức được cấy ghép vào anh chẳng bao lâu nữa sẽ nổ, và khi đó anh sẽ vĩnh viễn bị cầm tù trong Nơi tận cùng thế giới.
Cuốn tiểu thuyết kết thúc một cách mơ hồ. Trong những khoảnh khắc hữu thức cuối cùng, Watashi lắng nghe bài hát của Bob Dylan “Một trận mưa to đang rơi” (A Hard Rain”s A-Gonna Fall) trong khi chìm vào giấc ngủ. Trong khi đó, ở Tận cùng thế giới, Boku, kẻ vừa tìm thấy một lối thoát băng qua cái hồ không đáy, lại quyết định ở lại. Anh vừa nhìn mặt nước hồ vừa nói với bóng của mình:
“Tôi có trách nhiệm,” tôi nói. “Tôi không thể bỏ rơi những người, những chốn, những vật mà chính tôi đã tạo ra. Tôi biết tôi đã làm một điều hết sức tồi tệ với anh. Và, vâng, có lẽ tôi cũng đã làm điều tồi tệ với chính mình. Nhưng tôi phải nhìn cho rốt hậu quả của những gì mình làm. Đây là thế giới của tôi. Bức Tường này có đó là để giam giữ chính tôi, dòng Sông này trôi qua chính tôi, làn khói này đang đốt chính tôi. Tôi phải biết tại sao”.
Đoạn kết này làm người đọc hụt hẫng. Hai thế giới tách rời nhau không được tái hợp. Trên thực tế, cả hai nhân vật đều thất bại trong cuộc đấu tranh để bảo toàn bản lai diện mục (identity) của mình trước những hệ thống chẳng mấy quan tâm đến nhu cầu của cá nhân.
Matthew Strecher có một nhận định ảm đạm về những lựa chọn dành cho các nhân vật của Murakami (hay cũng có thể nói là tình trạng không có đường lựa chọn của họ). Trong công trình phê bình Nhảy với cừu: Cuộc truy tìm bản nguyên trong truyện của Murakami Haruki (Dances with Sheep: The Quest for Identity in the Fiction of Murakami Haruki, 2002), Strecher nghiên cứu những phương cách mà qua đó tác phẩm của Murakami phơi bày những phương diện phi nhân tính hóa của xã hội hiện đại. Đối với Strecher, cái “văn bản ngầm đích thực” của Xứ sở kỳ diệu… là “mức độ kiểm soát của nhà nước đối với diện mạo riêng của mỗi người”. Tự do lựa chọn chỉ là ảo tưởng, một thứ ảo tưởng được nhào nặn và thao túng bởi nhà nước, truyền thông đại chúng và chủ nghĩa tư bản tiêu thụ. Bàn về Xứ sở kỳ diệu…, Strecher lý giải các nhân vật của Murakami bước vào những con đường đã được tiền định sẵn như thế nào: “Hai con đường duy nhất còn lại… được phản ánh chính xác bởi cái thực tại là cõi không tưởng trần trụi của xã hội tiêu thụ hiện đại: một là vô tư dự phần vào nền kinh tế của chủ nghĩa tiêu thụ trống rỗng, bị chi phối chặt bởi một hệ thống các thể chế chính trị, công nghiệp và truyền thông đại chúng; hai là tự đặt mình ra ngoài lề, tự cách ly mình… Nhân vật “lạnh lùng” (hard-boiled) trong Xứ sở kỳ diệu… chiến đấu để nắm quyền kiểm soát bản thể mình, để giữ vẹn khả năng lựa chọn, suy nghĩ và lý giải”. Strecher cho rằng các nhân vật [của Murakami] không thực sự có quyền lựa chọn. Số phận không tránh khỏi của chàng Calcutec là phải đánh mất cái tôi hữu thức của mình, cũng như Boku sẽ không bao giờ lấy lại được cái tôi hữu thức của anh. Tự do thực sự là một ảo tưởng, dù cho ý hệ của xã hội thống trị là một ý hệ có thiện chí hay không (với tư cách “nhà nước” hay “hệ thống”, nếu dùng những khái niệm trong các tác phẩm khác của Murakami).Xem xét các nhân vật và bối cảnh trong những tác phẩm khác của Murakami, ta thấy những nhận định trên của Strecher vẫn giữ nguyên giá trị. Chẳng hạn, Cuộc săn cừu (A Wild Sheep Chase) che giấu một sự tra xét những phương diện chẳng lấy gì làm tốt đẹp trong lịch sử nước Nhật gần đây, với cuộc truy tìm giả tưởng một con cừu không có thật và một người bạn (Chuột) đã biến mất. Mặc dù Murakami không thừa nhận con cừu ở đây chỉ thuần mang tính biểu tượng, nhưng bằng cách nào đó, nó đại diện cho nạn tham nhũng và quyền lực. Rõ ràng Murakami tin rằng xã hội có tính ép buộc và cưỡng bức. Tuy nhiên, tôi vẫn có phần không đồng ý với cách hiểu tiêu cực trên đây của Strecher.
Theo cách hiểu của tôi, các văn bản của Murakami cũng nói lên rằng người ta có thể sử dụng tri thức một cách có trách nhiệm nếu họ hành xử một cách minh triết. Các nhân vật của ông quyết định chấp nhận số phận mình một cách thấu hiểu, điều đó khẳng định rằng người ta phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình và các nhược điểm của mình, ngay cả khi phải chịu số phận bất công. Lựa chọn của Boku là ở lại trong thành phố, việc đó có thể cứu cả anh lẫn Watashi, một khả năng mà nhà khoa học đã có phần biện minh, bởi ông cho rằng mặc dù Watashi sẽ mất tất cả, nhưng “không phải tất cả đều mất. Một khi anh ở trong thế giới đó, anh có thể có lại tất cả mọi thứ từ thế giới này”. Tương tự, việc Chuột tự sát trong Cuộc săn cừu không vô nghĩa mà là một nỗ lực quả cảm nhằm chấm dứt tiến trình thực thi cái ác của cái quyền lực đang ám ngự. Mặc dù không ai biết tới sự hy sinh của Chuột, nhưng hành động của anh là của một vị anh hùng.
Trong những tác phẩm ở giai đoạn đầu, Murakami chỉ nói đến khả năng này một cách bóng gió. Hầu hết đều kết thúc bằng cảnh nhân vật nghiền ngẫm những hậu quả của con đường mình đã chọn. Tuy nhiên, đề tài này vang lên mạnh mẽ hơn trong những tác phẩm gần đây của Murakami, có lẽ vì sự suy giảm nhịp độ phát triển kinh tế của Nhật Bản khiến người ta ngày càng khó nhắm mắt làm ngơ trước sự phân mảnh và trống rỗng của xã hội Nhật ngày nay.
Nền kinh tế phát triển quá nhanh của nước Nhật dẫn đến suy thoái vào năm 1990 3, và sự phục hồi từ đó đến nay khá chậm chạp. Năm 1995, lòng tự tin của nước Nhật lại càng bị lung lay. Trước hết, vào tháng giêng, một trận động đất mạnh rung chuyển vùng phía Tây Nhật Bản, gần Kobe, nơi sinh trưởng của Murakami. Các học giả Nhật Bản trước đây từng hả hê chỉ trích phản ứng của nước Mỹ đối với trận động đất ở Northridge, bang California năm 1994, nay càng bị sốc trước quy mô to lớn của trận động đất Kobe và phản ứng chậm chạp, lúng túng như gà mắc tóc của nước Nhật. Hơn sáu ngàn người chết dưới những tòa nhà cao tầng đổ nát và trong những đám cháy tàn khốc. Thảm kịch Kobe khởi đầu cho một quá trình tập thể của người dân Nhật hầu tìm kiếm lại linh hồn mình, một cuộc tìm kiếm mà hai tháng sau lại càng trở nên sâu sắc.
Vào ngày 20 tháng 3, các tuyến xe điện ngầm chính tại Tokyo bị tấn công có hệ thống bằng chất độc sarin. Số nạn nhân không nhiều, mặc dù độc tính của sarin cao hơn nhiều so với cyanide. Dẫu vậy, cuộc tấn công bằng hơi độc ở tàu điện ngầm làm rúng động tâm hồn người Nhật cũng như sự kiện 11 tháng 9 đối với người Mỹ; họ phải ra sức hiểu điều gì đã xảy ra và nó có ý nghĩa gì. Sau cuộc tấn công, mọi nghi vấn nhanh chóng tập trung vào Aum Shinrikyō, một giáo phái Phật giáo cực đoan; điều này càng khiến cho người Nhật cảm thấy bất an, bởi hầu hết thành viên của giáo phái này không phải là những kẻ ”bên lề xã hội” mà là những ”đứa con ưu tú” của nước Nhật, những nam thanh nữ tú thuộc tầng lớp trung lưu, được học hành đàng hoàng ở những trường đại học hàng đầu Nhật Bản nhưng lại cảm thấy hoàn toàn xa lạ với xã hội Nhật. Những người này cảm thấy xa lạ một cách sâu sắc với những mục đích của xã hội Nhật đương đại đến nỗi mục tiêu hướng tới ngày tận thế của vị lãnh tụ đầy ma lực Ashara Shōkō gần gũi với họ hơn là sự vô nghĩa, cạn cợt của đời sống hiện đại. Trên Dead Fukuzawa listserv 4, Paul Scalise đã dẫn nhận xét của nhà phân tâm học Nhật Miyamoto Masao như sau: “Nhật Bản đã xuống dốc trong mấy năm vừa qua và lớp trẻ không biết tin vào cái gì… Ở trường, họ cảm thấy lẻ loi, không được bảo vệ… Khi rời trường, họ gia nhập các giáo phái vì các giáo phái cho họ cảm giác mình thuộc về [một cái gì đó]”. Liệu sự trỗi dậy của Aum và các “tôn giáo mới” có gợi ra rằng cái hiện đại của thời hậu chiến đã không còn thắng thế?
Với Murakami, người đã sống ở nước ngoài gần chín năm, các sự kiện này là cả một bước ngoặt lớn lao. Ông quyết định về sống hẳn ở Nhật, để đối mặt với những bóng ma quá khứ của Nhật Bản thông qua nhiều tác phẩm trong đó nhà văn suy xét về cái khoảng rỗng văn hóa (cultural vacuum) của thời hiện đại. Những tác phẩm quan trọng trong số đó là Tàu điện ngầm: Vụ tấn công bằng hơi ngạt ở Tokyo và Tâm thức Nhật Bản (bản tiếng Anh: Underground: The Tokyo Gas Attack and the Japanese Psyche, 1997-98), Biên niên sử con chim vặn dây thiều (Nejimaki-dori kuronikuru, 1994-95, bản tiếng Anh The Wind-up Bird Chronicle, 1997) và kể cả Kami no kodomotachi wa mina odoru (Tất cả con của Thượng đế đều nhảy múa, 2000; bản dịch tiếng Anh After the Quake – Sau cơn động đất, 2002). Tập đầu của Tàu điện ngầm nói về hồi ức cá nhân của các nạn nhân vụ đầu độc khí sarin, điều mà Murakami cảm thấy bị người ta lãng quên trong làn sóng truy tìm và buộc tội thủ phạm. Tập thứ hai gồm phỏng vấn các thành viên Aum và những lý giải của chính Murakami nhằm cố hiểu những lựa chọn của các thành viên giáo phái này. Kiệt tác Biên niên sử con chim vặn dây thiều được viết từ trước khi Murakami trở về Nhật nhưng đến cuối năm 1995 mới hoàn thành, đã chuyển hướng sự tìm tòi của Murakami vào những điều có ý nghĩa rộng lớn hơn.
Trong Tàu điện ngầm, Murakami thừa nhận rằng khía cạnh đè nén [con người] của xã hội Nhật và tầm cỡ đa chiều của ý thức hệ (sự kết hợp giữa kiểm soát công khai với “hệ thống các thể chế chính trị, công nghiệp và truyền thông” theo lời Strecher) đã góp phần vào sự xa rời xã hội của các thành viên giáo phái. Không hài lòng với những đại tự sự về cái hiện đại Nhật Bản, các thành viên giáo phái tìm một cái gì đó để thay thế mà không biết rằng cái họ chọn có lẽ còn tồi tệ hơn. Ở đây, Murakami khảo sát xem các tự sự này đã nhào nặn các môn đồ của mình như thế nào:
Chẳng phải bạn đã trao đi một phần cái Ngã của mình cho ai đó (hay cái gì đó) để đổi lấy một cái “tự sự” sao? Chẳng phải chúng ta đã ký thác một phần nhân cách mình cho một hệ thống hay một Trật tự nào đó lớn hơn? Và nếu đúng vậy, chẳng phải là ở một giai đoạn nào đó, cái Hệ thống này đã yêu cầu chúng ta phải “điên rồ”? Liệu cái tự sự mà bạn đang sở hữu lúc này có thật và có đúng là của bạn không?
Những lời này cảnh báo rằng các đại tự sự, dù chúng có vẻ quy chuẩn đến đâu đi nữa, đều là những cái được [người ta] kiến tạo nên và không nhất thiết là có ích lợi cho cá nhân hay xã hội. Mỗi đại tự sự đều che đậy một vài điểm gây tranh cãi do cái bệnh hay quên văn hóa (through cultural amnesia). Ý ông muốn nói bất cứ ai, từ các thành viên giáo phái mù quáng đi theo Asahara cho đến những cá nhân hiện đại vướng víu trong những ham muốn của xã hội hậu tư bản. Tuy nhiên, ở đây tôi cảm thấy Murakami đang lên tiếng rõ ràng hơn [so với các tác phẩm trước của ông] rằng nếu con người sớm nhận thức được trật tự xã hội có tác động thế nào đối với mình, anh/chị ta sẽ có thể có được một sự tự trị nào đó trong tâm thức, dẫu cho anh/chị ta vẫn phải sống trong khuôn khổ trật tự xã hội. Cuộc đấu tranh này đã được phác họa trong Xứ sở kỳ diệu…, khi Boku cự tuyệt một cách nửa-ý-thức trước sự toàn thiện nhưng trống rỗng của Thành phố song về sau lại nhận trách nhiệm về sự tồn tại của Thành phố (mặc dù anh quyết định sẽ sống cuộc đời của một kẻ vì ý thức về chính mình mà phải trở thành kẻ bên lề trong cái Thành phố đó). Tiểu thuyết dừng ở đây, và người đọc chỉ có thể tự mình tưởng tượng ra những hậu quả từ quyết định của Boku.
Về sau, Murakami tưởng tượng ra một cuộc đối thoại với Hayashi Ikuo, một thành viên cao cấp của giáo phái. Ông luận ra rằng Hayashi, vốn là bác sĩ phẫu thuật, không thể dung hòa lý tưởng của mình về y học với những mâu thuẫn trong ngành y Nhật Bản. Hậu quả là, những động cơ trong sáng – mặc dù lầm lạc – đã dẫn anh ta tới quyết định đi theo những truyền giảng của Asahara về một chốn thiên đường méo mó. “Những gì chúng ta cần nói với bác sĩ Hayashi thật ra đơn giản thôi,” ông viết:
Thực tại được tạo thành từ hỗn độn và mâu thuẫn, cho nên, nếu loại trừ những yếu tố đó thì cái thực tại mà bạn nói không còn là thực tại nữa. Bằng cách theo một ngôn từ và một logic có vẻ như nhất quán, bạn có thể cho rằng mình có khả năng loại trừ khía cạnh đó của thực tại, nhưng nó [cái khía cạnh đó – hỗn độn và mâu thuẫn, ND] vẵn nằm nguyên đó chờ bạn, sẵn sàng phục thù bạn.
Quan điểm của Murakami là, hỗn độn và mơ hồ mặc nhiên hiện hữu, không tránh được; chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn ỉm chúng đi. Xứ sở kỳ diệu… biểu lộ điều này bằng cách cho ta thấy, cơn khủng hoảng [tìm bản ngã] của mỗi nhân vật trong hai câu chuyện đều hằn sâu lên ý thức của người kể chuyện trong câu chuyện/thế giới song hành kia. Lời cảnh tỉnh của Murakami có hai cấp độ: với tư cách cá nhân, chúng ta phải chấp nhận hỗn độn trong cuộc sống của chúng ta; với tư cách thành viên trong xã hội, chúng ta phải cố hiểu tại sao những cá nhân nào “không có những phương tiện thích hợp để có thể cân bằng giữa cảm giác tự hào [về bản thân] với cảm giác về sự khiếm khuyết [của bản thân]” ắt phải chấp nhận những tự sự của kẻ khác – những tự sự đáng ngờ về chốn thiên đường không tưởng – mà hậu quả là bi thảm.
Ở đây, Murakami cho thấy rõ một người đọc khôn ngoan sẽ cảm thấy gì qua toàn bộ sáng tác của ông. Tác phẩm khai phá sâu hơn chủ đề này là Biên niên sử con chim vặn dây thiều. Còn phức tạp hơn cả Xứ sở kỳ diệu…, cuốn tiểu thuyết này bao gồm ít nhất ba dòng tự sự tại hai thời điểm lịch sử khác nhau. Tōru Okada, một nhân vật sống trong thời hiện tại, đi tìm người vợ mất tích, song cuộc tìm kiếm này ngày càng đưa anh dấn sâu vào một cuộc hành trình về nội tâm để thấu hiểu mối quan hệ giữa quá khứ đầy bạo lực của nước Nhật với hiện tại trống rỗng của nó. Những đoạn miêu tả khủng khiếp – có phần hư cấu – về những hành vi tàn bạo thời chiến tranh ở Mãn Châu xen kẽ với những suy ngẫm về cuộc khủng hoảng đương thời của Tōru, cho thấy hai bình diện này gắn liền với nhau. Những hình ảnh không ăn nhập với nhau chen lẫn nhau tạo nên âm hưởng sâu xa như cuốn băng được hòa tiếng bằng một bàn tay điêu luyện. Cuối cùng, Tōru đi xuyên qua bức tường để bắt gặp chính mình là kẻ tòng phạm trong những sự kiện đã xảy ra từ trước khi anh ra đời và giờ đây đã bị xóa hoàn toàn khỏi ký ức tập thể. Để thành công trong cuộc tìm kiếm, Tōru phải vượt qua sự tách mình khỏi cộng đồng, sự thoát ly xã hội, để đạt tới một chủ nghĩa cá nhân hoàn thiện, để ít nhất cũng phải nỗ lực liên kết với những kẻ khác, dẫu cho từ bao đời nay thực sự biết được kẻ khác luôn luôn là việc khó khăn. Việc anh quyết định dấn thân một cách sâu sắc, thậm chí một cách dữ dội vào cuộc đấu tranh này cho thấy một sự thay đổi đáng kể. Quyết tâm của Tōru được phản ánh trong nhận xét của Murakami về nhà tâm lý học Kawai Hayao, tháng 11 năm 1995: “Gần đây tôi suy nghĩ nhiều về hai chữ “dấn thân”. Ngay cả khi viết tiểu thuyết, tôi nghĩ “dấn thân” là điều hệ trọng, mặc dù trong quá khứ tôi thích “tách mình” hơn”. Theo Jay Rubin 5, có thể xem Biên niên sử con chim vặn dây thiều như “một hành vi sáng tạo để tự vấn mình” cũng như một bước phát triển quan trọng của Murakami trong việc nhà văn nhìn nhận trách nhiệm của chính mình với tư cách người kể chuyện 6.Ta cũng có thể thấy quyết tâm mới mẻ này của Murakami trong cả Sau cơn động đất (Hay Tất cả con cái của Thượng đế đều nhảy múa). Các nhân vật ngôi thứ ba trong các truyện này, tuy không ai là nạn nhân trực tiếp của trận động đất, song họ đều cảm nhận cùng một sự mặc khải giống như Watashi trong Xứ sở kỳ diệu khi anh biết được rằng những thí nghiệm của nhà khoa học kia đã hủy diệt anh: “Nhưng cái gì mất thì đã mất. Không cách nào lấy lại được, dù có mưu toan cách nào đi nữa, không có cách nào trở lại trạng thái đã qua của sự vật, không có cách nào quay lại”. Theo Rubin, các nhân vật đó xem cơn động đất như “một tiếng gọi thức tỉnh, nó khiến họ nhận ra sự trống rỗng của đời mình trong một xã hội mà ở đó hầu hết người ta có nhiều tiền nhưng không biết làm cách nào để tiêu cho hết”. Sau khi rốt cuộc cũng nhận ra sự trống rỗng của mình và sự cộng thông giữa vạn vật, các nhân vật liền có những bước dò dẫm đầu tiên để vượt thắng sự trống rỗng trong chính mình và đến với những người khác.
Câu chuyện kỳ lạ nhất, Cậu Ếch cứu Tokyo, mô tả cuộc giao tranh đầy màu sắc thần thoại giữa một con Ếch khổng lồ biết nói tiếng người với một con Giun khổng lồ. Một người đàn ông khiêm nhường được Ếch thu dụng để hỗ trợ trong trận đánh này. Katagiri không phải là mẫu người hùng “kinh điển”, tuy nhiên, anh luôn hành động với ý thức trách nhiệm và lòng tôn trọng người khác, lại không màng đến công danh. Điều đó làm anh trở thành người phù hợp cho việc này, bởi anh “là người nhạy cảm và can đảm”. Ếch khẳng định: “Chỉ có người như anh mới cứu được Tokyo. Và chính vì những người như anh mà tôi mới định cứu Tokyo 7”. Dù bán tín bán nghi, Katagiri vẫn đồng ý giúp Ếch. Cuộc chiến đấu giữa Ếch với Giun (mà hóa ra là tưởng tượng) 8 kết thúc với phần thắng thuộc về Ếch nhờ sự hỗ trợ tinh thần của Katagiri, mặc dù Ếch bị tử thương. Khi Ếch chết, giòi bọ từ trong cơ thể Ếch túa ra, biến toàn cơ thể Ếch thành một đống giòi bọ nhung nhúc, chui cả vào thất khiếu của Katagiri. Anh thét lên và choàng tỉnh từ một giấc mơ khủng khiếp, một mình, bình an vô sự, trên một chiếc giường bệnh viện. Thức dậy, anh nhớ lại thông điệp cuối cùng của Ếch: “Cái gì ta thấy trước mắt chưa hẳn đã là thật. Kẻ địch của tôi cũng là chính tôi bên trong tôi 9”. Câu chuyện kết thúc bằng thông điệp cảnh báo này.
Những lời này thâu tóm cuộc đấu tranh mà các nhân vật của Murakami phải đối mặt. Dẫu đơn độc và cô biệt, họ phải đấu tranh để rèn nên bản nguyên đích thực của mình trong một thế giới phi ảo tưởng (dystopic world). Nhân vật của ông là những người bình thường, nhưng họ có thể làm những việc phi thường nếu họ biết sống có ý nghĩa, biết sử dụng tri thức với ý thức trách nhiệm, và luôn cẩn thận không mù quáng nghe theo những tự sự đáng ngờ của kẻ khác. Trên hết, họ phải lựa chọn hành động nhưng cũng phải chấp nhận rằng trong một số tình huống họ có thể là kẻ thù tệ hại nhất của chính mình. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của Murakami, phần thứ hai trong thông điệp của ông ngày càng mạnh mẽ hơn. Ông đã bắt đầu tạo ra những nhân vật mà cuộc đấu tranh của họ dẫu đơn độc nhưng không vô ích – sự thực, các nhân vật của ông cố gắng tạo ra những liên kết có ý nghĩa giữa cuộc đời mình với những người khác ở quanh mình.
Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh
Nguồn: World Literature Today, tháng 1-4/2005, trang 55-59.© eVăn 2005
———————-Chú thích:1 Cả hai nhân vật dẫn chuyện trong hai câu chuyện song hành ở tiểu thuyết này không được xưng tên mà chỉ là “tôi”. Người kể chuyện trong Xứ sở kỳ diệu…, được gọi là Watashi, đại từ ”tôi” mang sắc thái trung tính trong tiếng Nhật. Người kể chuyện trong Nơi tận cùng thế giới được gọi là Boku, đại từ ”tôi” chỉ dành cho nam giới, mang sắc thái thân mật, thông tục trong tiếng Nhật. – TG.
2Dystopia: một chốn tưởng tượng nơi mà tất cả mọi thứ đều tồi tệ đến mức không thể nào tồi tệ hơn nữa. Là cực đối lập với “thiên đường không tưởng” (utopia), nơi mà mọi thứ đều tốt đẹp đến không thể nào tốt hơn. Dystopia còn được gọi là “anti-utopia”, hay “xứ sở phản không tưởng”. – ND.
3 Nguyên văn: Quả bong bóng nền kinh tế Nhật nổ tung vào năm 1990. – ND.
4 “Dead Fukuzawa listserv” là tên của một nhóm thảo luận trên mạng, do một số cựu sinh viên Đại học bang California tại San Diego thành lập năm 1993, chuyên đề cập đến các vấn đề về quan hệ Mỹ-Nhật cũng như lịch sử, văn hóa và nền chính trị Nhật Bản. – ND.
5 Dịch giả Mỹ, một trong những người dịch văn của Murakami ra tiếng Anh có uy tín nhất. – ND.
6 Jay Rubin, Murakami Haruki và âm nhạc của ngôn từ (Murakami Haruki and the Music of Words, Harvill, 2002), 222. – TG.
7 Theo bản dịch của Phạm Vũ Thịnh, Cậu Ếch cứu Tokyo, Tạp chí Văn học (Mỹ) số 222, tháng 11/2004. – ND.
8 Ở đây tôi không đồng ý với tác giả bài viết. Cuộc tử chiến giữa Ếch và Giun hiển nhiên là đã xảy ra trong một cõi “phi thực” (unreality), nhưng trong truyện này, cũng như trong nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết của ông, Murakami đã rất dụng công – và rất tài tình – trong việc ”xóa nhòa” ranh giới giữa cõi phi thực và cõi thực, khiến cho người đọc khó lòng – thậm chí không thể – phán một cách chung quyết rằng điều gì “quả thực” đã xảy ra. – ND.
9 Theo bản dịch của Phạm Vũ Thịnh, như trên. – ND.