Lê Lựu: ’Viết văn như đi hôi cá ao làng’

Nhà văn Lê Lựu về quê.

Làng tôi nghèo lắm. Nghèo đến mức tôi được coi là người giàu nhất làng. Người làng tôi mỗi năm phải lội trên đường mất 6 tháng mùa mưa nên họ đâm ra quen với việc lội bùn. Bây giờ đường làng tôi được bê tông hóa nhưng cứ cách một quãng ngắn là họ lại phá ra một chỗ lội để bắc cầu thu tiền mãi lộ cho đỡ nhớ cái thời xa vắng ấy. Những lần sang Mỹ, bao giờ tôi cũng đèo thêm đủ thứ sản vật của quê mình từ gói mì tôm, bọc thuốc lào Vĩnh Bảo đến viên thuốc đau dạ dày. Vừa đỡ tốn vừa hợp khẩu vị.
Làng tôi nằm ngoài con đê bối sông Hồng, có hơn 60 nóc nhà nhưng không có nổi một ngôi đình để hương khói. Đã bao nhiêu lần dân làng phải đi thờ cúng nhờ ở đình làng bên cạnh. Được cái dân làng tôi bất khuất lắm, suốt 10 năm liền, năm nào cũng đóng góp, người 2.000 đồng, người 5.000 đồng và cuối cùng thì làng tôi sẽ có một ngôi đình ra dáng. Tôi đã chán cái cảnh tù cẳng ở thành phố rồi. Sống quá lâu ở một thành phố, tôi có thể thuộc từng ngôi nhà, từng cái cây nhưng không nhớ nổi một người nào đó cụ thể. Sống ở làng thì khác, mọi thứ đều có hồn có vía, thậm chí tôi nhớ rất rõ ai là người chửi hay nhất làng khi bị mất con gà hay buồng chuối. Nhớ quê tôi lại đánh đường về quê, nhưng quê tôi bây giờ đã khác xưa lắm rồi, đã bị đô thị hóa cả rồi. Xót ruột quá, tiếc cái phong vị cải ngồng cá rô quá nên tôi viết Sóng ở đáy sông cho bõ nhớ.
Giời cho chúng ta một chút tài nhưng nếu thiếu lòng can đảm thì cái tài ấy cũng vô ích. Nghĩ đến cảnh đi hôi cá ao làng là tôi vừa muốn cười vừa muốn khóc: bao nhiêu người lớn và trẻ con ngồi chực trên bờ, hễ chủ nhà quay đi là ào ào chạy xuống bùn vồ được con cá nào thì biết chắc con cá ấy là của mình. Chủ nhà ngoái lại, ném cho một hòn đất, thế là cả đám đông chạy nháo nhào lên bờ ngồi chờ, đợi khi chủ nhà quay đi thì lại ào xuống hôi tiếp.
Nhiều tác phẩm nhà văn phải khổ công tìm tòi sáng tạo nhưng khi in ra thì độc giả lại thờ ơ, lạnh nhạt. Thế là các nhà văn quay ra viết những gì độc giả thích, chiều lòng thị hiếu nghĩa là nhà văn đã mất cái bản lĩnh chân chính, cái tài giời cho mình rồi. Nói thật ra thì chúng tôi đã già và cũng hơi hèn nữa nên khó viết, văn khó hay. Mà thế nào là hay mới được chứ. Cái hay cái đúng của một thời đã trở thành không hay và bị quên lãng thời bây giờ.Tôi vẫn đang viết và viết sắp xong một cuốn tiểu thuyết mới về cái làng nhỏ không yên bình quê tôi.
Chưa bao giờ các nhà văn của chúng ta sống được bằng nhuận bút. Viết mà người ta chịu in cho mà mình không phải bỏ tiền vào đó là may mắn rồi. Thường thì tôi phải xuất tiền túi ra mua thêm sách của chính mình để tặng bạn bè làm kỷ niệm. Bây giờ chỉ có Chu Lai và Nguyễn Khắc Phục là sống được bằng nhuận bút thôi. Số đông còn lại phải hành nghề viết báo kiếm cơm. Tôi không viết báo được vì sự nhạy cảm của tôi hơi kém. Tôi chơi với dân doanh nghiệp thấy dễ thở hơn nhiều: họ không hiểu lắm về chuyện tôi viết cái gì nhưng họ thương tôi nghèo mà vẫn hì hụi viết lách như một gã khờ nên đi đâu cũng gọi tôi đi theo. Viết văn cũng như hôi cá làng là thế.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)
 
 

Close [X]
1gom
1gom