Cả nhóm 6 người nhưng chưa ai từng chạy qua đường Điện Biên Đông, mới chỉ nghe nói về con đường chạy dọc sông Mã nên ai nấy cũng đều hứng khởi. Con đường dự kiến chạy xuyên qua Điện Biên Đông – Sốp Cộp – Sông Mã sau đó sẽ vượt ra ngoài để gặp con đường quốc lộ 6 của Sơn La.
Sau một chuyến đi chinh phục cực Tây A Pha Chải, cả đoàn đã thấm mệt nên không muốn đi nhanh. Chúng tôi chạy túc tắc trên con đường mòn xuyên qua Điện Biên Đông. Đường nhỏ nhưng không có nhiều đoạn lên dốc xuống đèo nên việc đi lại khá dễ dàng.
Nhưng con đường đẹp chỉ kéo dài được hơn 20 cây số đầu. Bắt đầu từ bản Na Son, đoạn đường trở nên gồ ghề khúc khủy chào đón cả đoàn lữ hành. Xóc nẩy tung người, bụi mù và nhiều đá sỏi, những chiếc xe nghiêng ngả bên này bên kia. Những bản nhỏ lần lượt đi qua. Dân trong bản tò mò nhìn đám khách chạy xe máy qua vì đoạn đường này hiếm khi có khách du lịch nào biết mà chạy tới. Đường sẽ như thế này mãi cho đến tận Sông Mã mới lại có đường nhựa để chạy tiếp. Không thể quay lại tìm đường khác, chúng tôi chấp nhận đi tiếp con đường đã chọn.
Khi đến các bản lạ muốn xin ngủ nhờ, bạn nên vào hỏi trưởng bản để được giúp đỡ. |
Trời nhập nhoạng tối khi gần đến bản Mường Luân. Sau bữa cơm đạm bạc trong quán của một chị người xuôi xuống làm ăn tại đây, chúng tôi xin phép được ngủ lại nhờ nhà chị một đêm vì đường tối rất nguy hiểm, hơn nữa bản gần nhất cũng cách 30 km nữa.
Những chiếc túi ngủ, chăn và áo khoác ấm mang theo giờ có dịp phát huy tác dụng. Hai đứa con gái được chị ưu tiên cho ngủ giường, còn 4 cậu con trai thì trải túi ngủ nằm đất. Đêm xuống mịt mùng và cơn buồn ngủ díp mắt ập đến nhanh chóng.
Chúng tôi thức dậy vào lúc 5h sáng để khởi hành và tránh cái nắng gay gắt của mùa thu. Tháp Mường Luân, di tích văn hoá duy nhất trong 3 di tích hiện được xếp hạng quốc gia của tỉnh Điện Biên (còn lại là hai di tích lịch sử) nằm im lìm trong ánh sáng mờ ảo của buổi sớm. Tương truyền vào năm 1569, triều đình Miến Điện đem quân tấn công nước Lào, một số người dân vùng Thượng Lào đã lánh nạn sang các tỉnh biên giới Việt Nam. Năm 1594, chiến tranh Miến – Lào kết thúc, nhưng một bộ phận người Lào đã định cư lại Điện Biên. Bà con người Lào cùng nhau xây nên tháp Mường Luân để nói lên tình đoàn kết Việt – Lào đùm bọc nhau trong loạn lạc.
Tháp cổ Mường Luân trong buổi sớm nhập nhoạng. |
Trải qua hơn 4 thế kỷ dưới tác động của thời gian, khí hậu khắc nghiệt miền rừng núi và do đường xá đi lại khu vực này khó khăn không thể kịp thời sửa chữa khiến cho ngọn tháp xuống cấp nghiêm trọng, tháp bị nghiêng và bị xói lở với nhiều vết nứt gẫy dưới chân. Tháp Mường Luân lịch sử nằm ngay trước đường vào bản Mường Luân phủ màu thời gian. Từng nghe nói về ngọn tháp nổi tiếng này nhưng đến nay mới được tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Đường đi mỗi lúc một khó khăn vì suốt dọc con đường xuyên Sốp Cộp không có lấy một quãng bằng phẳng. Lổn nhổn những đá hộc, những hố bùn đọng mà chỉ sơ sẩy tay lái là có thể sa xuống hố bất cứ lúc nào, những chiếc cầu tre tự chế ọp ẹp mà ai qua cũng bị giữ lại thu phí 2000 đồng, nắng gay gắt trên đầu. Mấy cậu con trai cứ gồng tay lên giữ chặt tay lái để không bị chệch ra ngoài làn đường bé tí, bụi bặm và lởm chởm. Mấy đứa con gái căng mắt nhìn phía xa tìm những mái nhà dân để xin nước uống.
Sau hai tiếng vật lộn với con đường dài hơn 50 km, chúng tôi đến với thị trấn Sông Mã. Từ Sông Mã, con đường đi đã dễ chịu hơn, bắt đầu vào đường liên huyện 4G của tỉnh Sơn La. Bụi cuộn theo bánh xe của người chạy xe và cái nắng hanh càng khiến những đám mây bụi thêm dày đặc.
Mây che trên đầu và nắng trên vai. |
Gần trọn 2 ngày mới đi hết Điện Biên Đông, chúng tôi đã có một chuyến đi vất vả nhưng khá lý thú. Con đường chạy dọc sông Mã này rất ít người qua lại, khách du lịch lại càng không, chỉ có một vài đám du lịch bụi thi thoảng lại mò mẫm vào để biết thêm một con đường trong địa phận tiếp giáp giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Đường tuy khó nhưng cảm giác chinh phục xong một con đường quả là hãnh diện và tự hào.
Bài và ảnh: Lam Linh