“Với tôi, miền núi là ký ức của tuổi trẻ, của sự trong lành, đẹp đẽ mà tôi luôn hướng tới. Tôi thích viết về miền núi phía Bắc. Ở đó, thiên nhiên phóng khoáng, con người cao thượng, hồn hậu và chân thành, những tố chất bị tha hoá nhiều ở thành phố”, nhà văn tâm sự.
– Anh bắt đầu sáng tác về miền núi từ khi nào?
– Tôi lên Cao Bằng lần đầu năm 1990. Những điệu hát và con người vùng cao ấy đã quyến rũ tôi. Bởi thế, năm 2002, tôi đã trở lại 2 lần, cùng đạo diễn Trần Vịnh làm Khoả nước sông Quy. Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm Hoa mận đỏ, tiếp đến là Chuyện rừng Pha Luông vừa đoạt giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2002 của NXB Kim Đồng. Sắp tới, tôi sẽ chuyển thể Người lang thang của nhà văn Cao Duy Sơn thành phim nhiều tập. Cuối tháng 6, NXB Trẻ sẽ cho ra mắt tập truyện Thám hiểm miền Tây (300 trang) của tôi. Đây cũng là một cuốn sách hấp dẫn về miền núi.
– Con đường đến với văn chương của anh như thế nào?
– Tôi học hoá thực phẩm ĐH Bách Khoa nhưng mê văn chương nên đã theo học trường viết văn Nguyễn Du khoá 4. Rời NXB Công an nhân dân sau 14 năm làm biên tập viên, tôi về báo Văn Nghệ, sau đó là tạp chí Gia đình & Trẻ em. Khi đi công tác các tỉnh, ngoài viết báo, tôi luôn chú ý lấy chất liệu để viết truyện và kịch bản. Cảnh sát hình sự là kịch bản đầu tay tôi viết chung với anh Nguyễn Quang Lập, Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến… rồi đến Khoả nước sông Quy (4 tập). Cho đến bây giờ, trong tôi vẫn nuôi dưỡng “đứa trẻ 13 tuổi”. Nếu trong mỗi chúng ta đều “giữ” được đứa trẻ ấy thì thế giới này sẽ đẹp và bình yên biết mấy. Rừng thiêng, tập truyện về vùng Tây Bắc, đoạt giải C của NXB Kim Đồng 1996 – 2000 cũng chính là sự nuôi dưỡng và gợi nhớ ký ức tuổi thơ của tôi.
– Quan niệm sống của anh?
– Tôi có một gia đình hạnh phúc. Vợ tôi là giáo viên toán trường Trưng Vương, con trai lớn của chúng tôi sắp thi ĐH Bách Khoa. Đối với tôi, tình yêu con người, cuộc sống là một thứ tôn giáo thiêng liêng nhất mà mình phải sống vì nó, đẹp đẽ và tận lực, như nghi lễ ngày ngày.
(Theo Thể Thao & Văn Hoá)