Trường học tốt nhất là công việc
“Nếu người ta phải học hỏi tất cả trước khi hành động thì quá trễ để làm giàu”. |
Lý Quang Phú lý luận: “Xây một tòa nhà trụ sở bình thường cũng với giá 10 triệu USD rồi. Xây kiểu cọ như thế này đẹp hơn. Hơn thế, tôi xây điện Capitol ở mảnh đất quê hương tôi với hy vọng đem lại thành công cho tất cả mọi người. Chuyện làm ăn và tài sản cũng giống như cuộc đời vậy, chúng ta sẽ chấm dứt vào một lúc nào đó. Trong khi một tòa nhà bằng đá hoa cương như thế sẽ tồn tại vĩnh viễn. Người ta sẽ không thể nào quên được tôi”.
Ít người Trung Quốc thời mở cửa kinh tế có thể quên được bước đường phấn đấu của một công dân đầy nghị lực và tài năng. 18 tuổi, với vỏn vẹn 100 USD trong túi, tiền dành dụm của hai năm làm thợ sửa điện xí nghiệp, chàng trai họ Lý lao vào kinh doanh. Anh hợp tác với một doanh nghiệp nhà nước mở xưởng sản xuất đinh vít. Hai năm sau, anh chuyển sang nắm lấy một xí nghiệp dệt bị phá sản. Công việc phất lên như diều gặp gió. 6 năm sau, Lý đã có thể xuất khẩu hàng sang Trung Đông. Vài năm nữa, ông chủ trẻ này liên doanh với một đối tác của Nhật Bản và từ đó sản phẩm may mặc của ông vươn ra thế giới. Lý không giấu giếm: “Hiện nay, mỗi tháng chúng tôi thu lời đủ để mua 3-4 chiếc Airbus”.
20 năm xây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng là một kỳ tích. Anh Lý chỉ nghĩ đơn giản: “Phải biết mơ mộng và suy nghĩ lớn lao”. Châm ngôn này ông viết lên đầu của cuốn sách mang tên Cẩm nang sức mạnh văn hóa lưu hành nội bộ công ty. Ông có yêu cầu rất cao về năng lực và đạo đức đối với nhân viên của mình. Nhưng đổi lại họ được hưởng mức sống cao. Mức lương trung bình hàng năm của công nhân Trung Quốc là 1.000 USD, nhưng làm công nhân cho ông Lý được trả gấp đôi. Công ty của ông hiện đang dùng đến 24.000 nhân công ở Trung Quốc.
Người ta từng đề nghị tỷ phú Lý làm chủ tịch ủy ban ở thị trấn quê ông nhưng ông từ chối. Không làm chính trị nhưng ông có đủ khả năng đem lại điều tốt lành cho dân chúng bằng nguồn của cải của mình. Ông cho làm đường sá, xây cầu cống ở khu vực chu vi 50 km xung quanh làng quê ông. Ông Lý khẳng định: “Trường học tốt nhất chính là trong công việc. Nếu người ta phải học hỏi tất cả trước khi hành động thì quá trễ để làm giàu”.
Tuổi Trẻ (Theo Paris Match)