Anh Nguyễn Văn Thanh (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết, con gái đầu lòng tên H. mới 16 tuổi quan hệ tình dục với bạn trai và có bầu. Cô bé nói rằng tác giả của bào thai tên là Tài, người theo đuổi H. bấy lâu nay.
Lúc đầu, Tài thừa nhận là cha của đứa trẻ trong bụng con gái anh Thanh, nhưng sau đó phủ nhận. H. sinh con và gia đình làm đơn xin truy nhận cha cho cháu bé. Nhiều nhân chứng xác minh quan hệ tình cảm giữa H. với Tài, nhưng anh ta một mực không nhận con. Còn tòa án huyện không thể phán xử vì cho rằng nguyên đơn không đủ chứng cứ. Tòa trả hồ sơ, hướng dẫn anh Thanh đưa đứa trẻ đi giám định ADN, nếu không vụ án sẽ bị đình chỉ. Không có khả năng tài chính, H. đành chấp nhận con không có bố.
Tình cảnh tương tự gia đình anh Thanh diễn khá phổ biến ở thị xã Tân An, Long An. Phần lớn các cô gái đều xuất thân nghèo khó, lâm vào cảnh tình ngay lý gian và không biết kiếm đâu ra tiền để làm giám định ADN.
Theo luật sư Nguyễn Minh Thao (Đoàn Luật sư Long An), 12 triệu đồng để làm giám định ADN không chỉ là số tiền lớn với những cô gái nghèo nhẹ dạ, mà ngay cả những gia đình khá giả cũng phải đắn đo. Nhiều trường hợp đã đến nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho đứa trẻ, nhưng sau rút đơn vì không dám chi tiền.
Ở Long An có nhiều trường hợp cha mẹ cô gái bỏ tiền làm giám định ADN, nhưng kẻ quất ngựa truy phong lại không có điều kiện. Chị Nguyễn Thị G. tâm sự: “Biết con gái dại dột, tôi giấu ông xã bán hết đồ trang sức để giám định gene, kiện cho ra lẽ. Tôi nghĩ phía bên kia phải nhận con và hoàn trả chi phí tôi bỏ ra. Nhưng, án tuyên gần một năm, tôi vẫn không nhận được đồng xu nào. Anh ta không nghề nghiệp nên không có tiền chi trả. Cha mẹ hắn tuy giàu có, nhưng bảo đó không phải là việc của họ”.
Bà Trương Thị Minh Thơ, thẩm phán TAND tỉnh Long An, cho rằng, chi phí giám định gene hiện nay quá lớn là gánh nặng cho người phụ nữ. Theo bà Thơ, giám định ADN là cơ sở khoa học duy nhất để tòa xem xét phán quyết đứa trẻ là con của ai. Song trong thực tế xét xử không nhất thiết phải áp dụng một cách máy móc như vậy.
Trước hết, tòa án có thể căn cứ những chứng cứ trực tiếp trong quá trình quan hệ tình cảm giữa người nam và người nữ để phân xử, hoặc áp dụng phương pháp loại trừ bằng cách thử máu. Nếu giữa đứa trẻ và người đàn ông trong vụ án cùng nhóm máu, có dấu hiệu quan hệ huyết thống thì tòa động viên phía bị đơn nhận con. Nếu anh ta không chấp nhận, tiến hành bước thứ hai là giám định gene. Làm như vậy có lợi cho người phụ nữ, họ có cơ sở tiên liệu nên bỏ tiền giám định hay không.
Do vậy, nhiều vụ án mới ở giai đoạn áp dụng biện pháp loại trừ, phía bị đơn đã thừa nhận là cha đứa trẻ. Bà Thơ lấy ví dụ, có anh rể ngoại tình với em vợ nên có con. Tòa sơ thẩm xử buộc phải nhận đứa trẻ nhưng ông ta kháng cáo, đòi giám định ADN. TAND tỉnh Long An áp dụng phương pháp loại trừ, kết quả là người này và đứa trẻ cùng nhóm máu. Chưa kịp mở phiên phúc thẩm, đương sự rút đơn kháng cáo, chấp nhận án đã tuyên. Theo thẩm phán Thơ, áp dụng phương pháp loại trừ, bên nguyên đơn chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng. Cơ quan xét xử nào không thụ lý các vụ án truy nhận cha cho con khi chưa giám định gene được xem là một thiếu sót.
(Theo Người Lao Động)