Chủ tịch Palestine Yasser Arafat. |
Cơ sở của vụ kiện là điều luật mà Bỉ bắt đầu thi hành từ năm 1993, cho phép tòa án nước này xét xử người ngoại quốc vì những tội ác chiến tranh hay tội diệt chủng, dù sự việc có xảy ra ở đâu và có liên quan hay không tới công dân Bỉ. Cũng chính dựa vào luật này, 28 người sống sót trong vụ thảm sát tại trại tị nạn Sabra và Shatila của Palestine ở Beirut (Libăng) năm 1982 đã yêu cầu tòa án Brussels xem xét truy tố Thủ tướng Israel Ariel Sharon. Sự việc khiến Tel Aviv vô cùng bất bình, coi đây là sỉ nhục đối với dân tộc và nhà nước Do Thái. Một phiên tòa để xem xét tòa án Bỉ có đủ tư cách buộc ông Ariel vào ghế bị can hay không sẽ diễn ra hôm 28/11, một ngày sau khi lá đơn chống Arafat được nộp lên.
Tuy nhiên, Yves Oschinsky, một luật sư Bỉ sẽ làm đại diện cho 30 người Israel, khẳng định những cáo buộc đối với Chủ tịch Palestine không hề liên quan tới chính phủ Tel Aviv. Oschinsky sẽ phải thuyết phục thẩm phán rằng có đủ chứng cớ để mở một phiên tòa.
Vị luật sư cho biết các thân chủ của ông không đưa ra một vụ việc cụ thể mà tìm cách buộc Chủ tịch Palestine vào tội sát nhân, diệt chủng và tội chống lại con người, qua một loạt những vụ đánh bom từ năm 1966 khiến hàng nghìn dân Do Thái thiệt mạng. Họ nhấn mạnh các sự kiện xảy ra, kể từ khi chính quyền Palestine được thành lập trên Dải Gaza và khu Bờ Tây năm 1994. Những người đi kiện lập luận rằng ông Arafat phải chịu trách nhiệm đối với “hành vi khủng bố” mà người của ông thuộc các nhóm PLO, Fatah, Tanzine và Lực lượng 17 thực hiện.
Ngoài ra, nhóm công dân Israel nói trên cũng định đưa các phụ tá của Chủ tịch Arafat, bao gồm Mohammed Dahlan, Marwan Barghoutti và Jibril Rajoub, ra tòa.
Quyết định của họ đặt Brussels vào một tình thế vô cùng khó xử. Hiện, với tư cách chủ tịch luân phiên EU, Thủ tướng Guy Verhofstadt đang dẫn đầu một phái đoàn kiến tạo hòa bình của Liên minh châu Âu ở Trung Đông. Vậy mà gần như một lúc, tòa án Bỉ định thách thức cả hai nhân vật có tiếng nói quan trọng nhất ở khu vực.
H.F. (theo The Guardian)