Phát hiện đường dây dùng động vật quí hiếm để lừa đảo

Cuối tháng 11/2001, ông Phạm Văn Bích ở xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Hưng, Nam Định, tiếp một vị khách lạ tên Thức, nhờ chỗ để nấu cao trăn. Xong việc, trước khi đi, anh ta biếu ông một ít cao để uống cho mạnh gân, khỏe cốt. Một thời gian sau, Thức cùng một thanh niên tên Chuông quay lại gửi nhờ nhà ông một con trăn, nhờ bán hộ với giá 500.000 đồng. Họ nói, ông cứ nhận, trăn có chết cũng không sao. Ngay hôm sau, một vị khách lịch sự tên Sơn tới hỏi, đồng ý mua. Được việc, anh ta còn biếu ông Bích 20.000 đồng và nhờ nếu có người bán thì gọi điện thoại báo cho vợ để đến lấy. Về phía Chuông, khi quay lại lấy tiền cũng biếu ông 30.000 đồng công bán hộ.
Các cuộc mua bán tay ba mà ông Bích là người môi giới cứ thế tiếp tục, và tính ra, ông đã được hưởng chút ít tiền “nước bọt”. Cho đến một ngày đầu tháng 12/2001, Chuông và một người tên Huệ quay lại với một bộ “xương hổ”, đặt giá đúng 70 triệu đồng. Họ nói cần tiền ngay. Ông Bích lại gọi điện báo cho vợ Sơn. Lần này, Sơn mừng như bắt được vàng, chấp nhận ngay giá 86 triệu ông Bích đưa ra. Sơn đặt trước 10 triệu đồng rồi đóng gói hàng gửi lại, hẹn mấy ngày sau quay lại lấy và trả nốt tiền. Trong lúc đó, Chuông, Huệ thúc giục lấy tiền, nếu không sẽ không bán hàng nữa. Ông Bích tiếc rẻ số lãi 16 triệu đồng, đi vay mượn để trả 70 triệu cho 2 chủ hàng. Khi trao tiền ông còn được lại quả 5 triệu đồng. Hai gã bán “xương hổ” ôm tiền đi ngay. Mãi lâu không thấy Sơn quay lại, ông Bích vội kiểm tra mới phát hiện số xương quý hiếm kia là đồ giả.
Lật lại hồ sơ cũ, trinh sát phát hiện, năm 1997, Cảnh sát hình sự Hà Nội đã từng yêu cầu xác minh một vụ lừa đảo tương tự. Số điện thoại mà người bị hại ghi lại là của Lê Thị Yên, ở phường Trường Thi, TP Nam Định. Tuy nhiên, Yên khai gia đình kinh doanh điện thoại công cộng, nên không xác định được ai là thủ phạm. Tương tự, tháng 9/2001, Công an Lạng Sơn cũng thông báo một vụ lừa đảo mà số điện thoại liên lạc cũng trùng với số của Yến.
Lê Thị Yên bị nghi ngờ, nhưng Cơ quan Điều tra chỉ có đủ chứng cứ để thực hiện lệnh bắt ngày 29/3, sau khi ba đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 55 triệu đồng của ông Bích bị bắt. Khám nhà Yên, trinh sát thu giữ nhiều giầy tờ ghi số điện thoại, tên giả của hàng chục đối tượng khi hoạt động lừa đảo và tên các gia đình chúng lừa đảo. Yên cũng dùng hàng chục tên giả để đóng vai “vợ” của người mua hàng. Các đối tượng trong đường dây sống ở nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Chúng nhận tin của Yên, đóng giả làm chồng cô ta tới các con mồi mua hàng. Từ tháng 6/2000 đến tháng 11/2001, Yên đã nhận tới 40 triệu đồng tiền chia chác từ các phi vụ lừa đảo, do đồng đảng gửi qua bưu điện.
Theo đánh giá của Công an Nam Định, đường dây này có quy mô cả trăm tên, đã gây ra gần 200 vụ lừa đảo ở 39 tỉnh thành trong cả nước. Hiện Cơ quan điều tra đang thu thập thông tin của những người bị hại. Mỗi ngày có khoảng 4 người gọi điện hoặc đến trực tiếp trình báo.
(Theo Công An TP HCM)

1gom