Quyến luyến là một thuật ngữ chuyên môn về tâm lý học, nói lên mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa người với người, đặc biệt là giữa mẹ và con. Ở trẻ nhỏ, điều đó biểu hiện bằng tiếng khóc, nụ cười, hành vi níu kéo áo quần vào sát mẹ hoặc người thân. Đó chính là nhu cầu sinh lý của trẻ.
Tình cảm quyến luyến giữa mẹ con là mối quan hệ giao tiếp sớm nhất trẻ được xây dựng trong điều kiện và hoàn cảnh như vậy. Nó có tác dụng đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển tâm lý của trẻ không chỉ cho hôm nay mà còn cho suốt cả cuộc đời của trẻ sau này. Bởi vậy, Tổ chức y tế thế giới đã kết luận: Cái cơ bản nhất của tâm lý lành mạnh là mối quan hệ thân mật cần có giữa trẻ và mẹ (hoặc một người thay mẹ ổn định) khiến cho trẻ nhận được ở trong đó sự thỏa mãn và vui vẻ. Nó sẽ đem lại niềm tin đối với người, tự tin đối với mình. Đồng thời, phát triển tình cảm yêu mến bạn bè và cuộc đời sau này của mình, đem lại cuộc sống mỹ mãn của con người. Ngược lại, một người nếu không hình thành được tình cảm quyến luyến tích cực giữa mẹ và con trong thời kỳ ấu thơ, thì rất có thể người đó sẽ trở thành một con người thiếu niềm tin, tâm hồn trống rỗng và tự ti… Người đó cũng không thể trở thành người cha mẹ tốt được”.
Ngày nay, có một số cha mẹ trẻ viện đủ thứ nguyên nhân để hoàn toàn giao con cho bảo mẫu trông nom. Hơn nữa lại thay đổi bảo mẫu nhiều lần, khiến cho trẻ không có người nuôi dưỡng cố định trong suốt thời kỳ ấu thơ, không có cách nào xây dựng được mối quan hệ tình cảm quyến luyến bình thường, dẫn đến tình trạng trẻ thiếu niềm tin đối với mọi người và môi trường xung quanh, trở nên nhút nhát, tính cách lạnh lùng, điều đó rất bất lợi cho sự phát triển tâm lý lành mạnh của trẻ. Do đó, là những bậc cha mẹ và người nuôi trẻ cần phải tích cực tạo điều kiện có lợi, thúc đẩy sự hình thành bình thường hành vi quyến luyến của trẻ trong thời kỳ ấu thơ một cách sớm sủa, đặt nền móng cho cơ sở phát triển phẩm chất tâm lý và tình cảm quyến luyến xã hội tốt đẹp của trẻ sau này.
49. Tâm lý ăn uống của bé
Ăn là nhu cầu đầu tiên của trẻ. Thế những ăn không chỉ là nhu cầu sinh lý đơn thuần, mà còn bao hàm nhiều nhân tố tâm lý.
Những ngày đầu tiên khi trẻ tỉnh dậy trong giấc ngủ vì đói đã có ngay sữa mẹ an ủi bé: “Ôi, ấm áp biết bao! Lại có cả thức ăn ngon nữa, thật dễ chịu!” Ăn no rồi, bé khẽ chúm chím đôi môi xinh xinh đi vào giấc ngủ ngon lành. Lúc này, nhu cầu của bé không cao, khi nào bé muốn ăn, bạn chỉ cần sùng sữa của mình đã đủ cho bé ăn no.
Trên dưới 3 tháng, đột nhiên có một hôm, trẻ không ăn giống như trước, mà lúc ăn lúc ngừng, cuối cùng, dứt khoát không ăn nữa. Trường hợp này thường thấy ở trẻ nuôi bằng sữa mẹ hoặc bằng sữa mẹ và các thứ khác. Lúc này, bạn thường cứ nhét đầu vú vào miệng trẻ, bắt ép cho bé ăn no, ăn hết. Ngày lại ngày như vậy, bé sẽ cảm thấy ăn sữa là một “gánh nặng”, tâm tình không vui vẻ. Sau sáu tháng tuổi, bé bắt đầu có nhu cầu tự nhiên là, muốn ăn thức ăn khác ngoài sữa mẹ và sữa bò và cảm thấy vui vẻ khi được thưởng thức hương vị mới lạ trong những thức ăn đó. Cho bé những món ăn bé thích (đương nhiên là những thứ không độc hại, không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của bé) không ép bé ăn những món ăn bé không thích là người mẹ thông minh.
Sau đó vị giác của trẻ dần dần nhạy cảm, với thức ăn ngon hay không ngon dần dần phân biệt được và kén ăn, khảnh ăn, lắm khi làm cho bà mẹ phải suy nghĩ đến đau đầu. Kỳ thực, đây là chuyện rất bình thường. Trẻ cũng giống như người lớn, ăn uống ngon hay không ngon sẽ thay đổi bởi sự ảnh hưởng của nhiều nhân tố như môi trường tâm lý, biểu hiện cá tính của mình. Do đó, bạn hoàn toàn không phải lo lắng đến chuyện trẻ không ăn thứ này, thứ nọ. Bạn cần nắm vững cái lẽ tự nhiên: Đói bụng thì sẽ ăn ngon.
Sau 9 tháng tuổi, trẻ càng ngày càng mất “trật tự” vừa ăn vừa chơi, khi ăn không dùng thìa, gõ hết cái nọ cái kia rồi chọc ngoáy thức ăn, thức ăn đổ lung tung trên mặt đất, khiến cho cha mẹ và người lớn trong nhà phải phiền muộn. Đây cũng là hiện tượng bình thường về tâm lý ăn uống của trẻ nhỏ, chứng tỏ việc ăn uống của trẻ bắt đầu giảm bớt, chuyển hứng thú, tình cảm đến cái khác ngoài thức ăn. Lúc này, hàng ngày nên cho bé ăn cố định ở một nơi, khi ăn không nên đùa với trẻ, tránh làm cho trẻ phân tán sức chú ý. Có thể để cho bé tự cầm thức ăn rắn chắc như bánh bích quy ăn lấy, cũng có thể cho bé cầm thìa con tập xúc ăn. Nếu thấy bé chán không muốn ăn nữa, chỉ đùa nghịch thì có thể kết thúc bữa ăn, trừ khi bé mới ăn được quá ít. Các bậc cha mẹ nên nhớ rằng, thời kỳ trên dưới một tuổi trẻ rất thích tự xúc lấy thức ăn, lợi dụng ý thức của trẻ, các bạn nên để trẻ tự ăn. Lúc đầu thức ăn có thể bị rơi vãi, các bạn đừng vội nóng ruột. Đôi tay trẻ dần dần sẽ khéo léo. Ở các nước tiên tiến, trẻ mới biết ngồi, người ta đã cho trẻ tập xúc lấy thức ăn. Trẻ tự ăn sẽ tập trung sức chú ý, bớt đùa nghịch khi ăn, ít nhõng nhẽo, thậm chí quấy khóc. Nếu các bà mẹ cứ giành lấy việc bón thức ăn cho trẻ, rất dễ dàng gây thành thói quen cho trẻ. Thói quen đó có thể kéo dài đến khi trẻ sáu, bảy tuổi. Nó không những làm mất thì giờ của bố mẹ mà ở mức độ nhất định còn gây cho trẻ thói xấu ỷ lại và sự vụng về của đôi tay.
(còn tiếp)