Tại cuộc hội thảo mới được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ châu Âu chống lại căn bệnh ung thư, ông E. Riboli đã khẳng định dựa trên kết quả của 150 cuộc nghiên cứu dịch tễ: “Nếu mỗi ngày chúng ta ăn khoảng 400-500 g rau và hoa quả thì chúng ta đã giảm được 50% nguy cơ bị ung thư bàng quang, phổi, dạ dày, đại tràng và vòm họng. Còn nếu ăn từ 700-900 g thì việc phòng chống ung thư đạt kết quả cao nhất”.
Các nghiên cứu cho thấy chất xơ trong rau quả làm giảm thời gian tiếp xúc giữa các chất gây ung thư với màng nhầy, có khả năng ức chế các loại gene gây ung thư đại tràng. Chúng cũng có tác dụng gián tiếp trong phòng chống ung thư vú bằng việc chuyển hoá thành các chất béo hay loại bỏ hoóc môn eostrogène. Trong số các loại khoáng chất và nguyên tố vi lượng rau quả mang lại thì các chất như kẽm, đồng, selen đóng một vai trò tích cực. Các chất isoflavonoide có trong đậu nành, còn gọi là oestrogène thực vật chủ yếu có tác dụng đối với việc phòng ngừa ung thư vú và đại tràng.
Đồng thời các nghiên cứu cũng cho thấy, có nhiều nhân tố gây nguy cơ mắc bệnh ung thư từ thức ăn. Đặc biệt là các sản phẩm ướp muối, hun khói hay treo trên lò than. Theo kết quả điều tra ở Mỹ cũng như các nước châu Âu thì thịt (nhất là thịt gia súc) chính là nguyên nhân gây ung thư ruột.
Nhưng trên thực tế, rất ít người ăn đủ lượng rau quả cần thiết. Trung bình chúng ta chỉ ăn không quá 300-400 g mỗi ngày. Theo các nhà nghiên cứu, để đạt được hiệu quả tối ưu, chúng ta cần phải ăn hoa quả vào tất cả các bữa ăn. Không nên ăn quá 90 g thịt muối mỗi ngày. Ngoài ra phải cố gắng hoạt động thân thể đều đặn.
(Theo Tư Vấn & Tiêu Dùng, 2/2001).