Rào cản của chương trình “công ty hóa” DNNN

Các nhà soạn thảo nghị định này đang đề nghị thực hiện “công ty hóa”, khâu quan trọng của chương trình sắp xếp và đổi mới DNNN, theo hướng năm đầu tiên chỉ áp dụng thí điểm ở mỗi bộ, ngành, địa phương 1-2 DN để rút kinh nghiệm trước khi triển khai ở diện rộng. Sở dĩ thận trọng như vậy là vì tính chất mới mẻ, phức tạp của công việc, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhiều cơ quan nhà nước cũng như bộ máy quản lý hiện thời của các DN.
Khó khăn hàng đầu của việc chuyển đổi là công nợ chồng chất của khối DNNN: ước tính đến năm 2000 là 288.000 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu là 86.000 tỷ đồng, bằng 70% tổng vốn Nhà nước trong khối này. Mặc dù về nguyên tắc, chuyển đổi không thay đổi quyền sở hữu, nhưng nếu để DN tiếp tục mang khối công nợ như vậy sang mô hình mới thì sẽ khó có bước phát triển tốt hơn. Nhóm soạn thảo dự kiện phải xử lý theo hướng làm rõ các khoản công nợ phải thu hồi, rồi hạch toán giảm vốn cho DN ở phần tổn thất. Thế nhưng quy định hiện thời lại không cho phép thực hiện việc này. Tương tự, dự kiến cho phép DN hạch toán giảm vốn phần kinh phí trả cho người lao động theo chế độ tự nguyện thôi việc khi thực hiện “công ty hóa” cũng không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bàn. Dự thảo giao trách nhiệm chủ sở hữu của DN thành viên sau chuyển đổi cho tổng công ty, nhưng Luật Doanh nghiệp nhà nước lại không định cho tổng công ty thứ quyền này. Hàng loạt các thẩm quyền khác của đại diện chủ sở hữu, như quyết định chuyển đổi sở hữu DN, quyết định đơn giá tiền lương, tăng giảm khấu hao tài sản cố định, quyết định sử dụng lợi nhuận… cũng mâu thuẫn với văn bản pháp quy hiện hành, và thực tế đây là rào cản cho tiến trình đổi mới khu vực DNNN. Thêm vào đó vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn rằng giao quyền cho đại diện chủ sở hữu nhưng khả năng giám sát của chủ sở hữu đối với HĐQT, chủ tịch, giám đốc công ty sẽ rất khó khăn, nhất là vấn đề tài chính. Điều này dễ dẫn đến tình trạng không quản lý được đồng vốn của Nhà nước.
(Theo Tuổi Trẻ)
Theo dòng sự kiện:
Cần tách bạch chủ sở hữu và người quản lý DN khi “công ty hóa” (23/3)Tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp dân doanh (21/3)DNNN sau chuyển đổi được mở rộng quyền kinh doanh (27/2)DNNN có thể chuyển thành công ty TNHH một thành viên (22/2)

Close [X]
1gom
1gom