Cần tận dụng “tâm lý bầy cừu” ở thị trường chứng khoán

Theo một số chuyên gia, dân chơi chứng khoán Việt Nam phần lớn thiếu kinh nghiệm, rất dễ bị ảnh hưởng bởi các nhà đầu tư nhiều vốn và những người này nghiễm nhiên trở thành “điểm neo” của thị trường. 
Cách đây 2 năm, không ít người bỗng chốc trở thành tỷ phú khi liều lĩnh ôm vài chục nghìn cổ phiếu REE hoặc SAM, HAP. Giá ba loại cổ phiếu có tính thanh khoản cao này leo thang với tốc độ chỉ có “trong mơ” của lịch sử chứng khoán thế giới: gấp 2-3 lần chỉ trong vài tháng. 
Tuy nhiên, với một thị trường chứng khoán non trẻ, vốn ít (chỉ bằng 1/500 nếu so với tổng lượng tiền giao dịch qua hệ thống ngân hàng), đầu tư cổ phiếu tại Việt Nam giai đoạn 2000-2001 giống như việc “ôm bom nổ chậm”. Không ý thức được điều này, nhiều nhà đầu tư đã thế chấp bất động sản, vay tiền ngân hàng để chạy theo mốt tích trữ cổ phiếu. 
Tháng 6/2001, thời điểm hoàng kim của các “tỷ phú chứng khoán” chấm dứt. Chỉ số Vn-Index (mức đỉnh là 571) bỗng chốc rơi không trọng lượng. Nhiều người bị kéo xuống vực phá sản. Ai mạnh tay bán tháo cổ phiếu thì còn giữ được ít vốn, chậm chân thì đành chịu. Tâm lý bầy cừu tan vỡ.
Gần đây, giới phân tích không còn nhắc đến sự hiện diện của các nhà đầu tư “Tây” trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ đã đến, đã chờ đợi và không ít người đã ra đi. Thị trường liên tục ế ẩm không đủ sức kéo chân họ lại. Không ai ngờ được là chỉ số Vn-Index lại quay số lùi suốt nhiều tháng qua, từ 571 xuống còn 177,35 điểm (phiên giao dịch hôm qua).
Tất cả những gì nhà đầu tư nước ngoài bình luận đều giống nhau: trông chờ trong dài hạn. Họ nhận định sẽ có ngày giá cổ phiếu tăng cao trở lại, nhưng cũng không đủ gan để ôm thêm cổ phiếu. 
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư trong nước than thở, “đành đợi lĩnh cổ tức thôi, vì bán ra bây giờ không ế thì cũng lỗ nặng”. 
Để có được giải pháp cho TTCK VN, trước hết, cần chấp nhận một thực tế là “tâm lý bầy cừu” vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Đây là hình thức đầu tư lành mạnh, tồn tại khắp nơi trên thế giới. Chẳng hạn tại Chicago (thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới với lượng giao dịch 1.500 tỷ USD/ngày), Solomon Brothers là “điểm neo” cho 40% số nhà đầu tư – quyết định của nhà tư vấn này sẽ được copy trong nháy mắt. Vì vậy, điều cần thiết cho thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là thu hút những nhà đầu tư giỏi, có kinh nghiệm với các quyết định kịp thời để có thể vực dậy thị trường. 
Thứ hai, các chính sách bình ổn thị trường bất động sản cần sớm được ban hành và thực thi. Hai năm qua, giá nhà, đất leo thang đã hút mất phần lớn trong số 5 tỷ USD vốn nhàn rỗi của người dân Việt Nam – đây là nguồn đầu tư lý tưởng cho thị trường chứng khoán. (Còn một đối trọng khác là thị trường ngoại hối, tuy nhiên hiện tỷ giá biến động không đáng kể nên số vốn được ném vào đây vẫn ở mức thấp). 
Thứ ba, đẩy nhanh việc tuyên truyền kiến thức về chứng khoán cho người dân. Chỉ khi họ ý thức được sự phát triển lâu dài của thị trường, vốn mới được đổ vào thay vì chuyển đổi sang tích trữ vàng hoặc gửi tiết kiệm như hiện nay. Nhiều người tham gia cũng đồng nghĩa với việc rủi ro được chia nhỏ, thị trường sẽ ít chịu biến động. 
Kim Tinh

Close [X]
1gom
1gom